Ủy ban Kiểm tra Trung ương được tổ chức gồm Chủ nhiệm, các Phó chủ nhiệm và các ủy viên. Đồng thời là cơ quan tham mưu tối cao[cần dẫn nguồn] của Đảng về vấn đề kiểm tra và kỷ luật trong Đảng vì vậy thường do Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng nắm giữ [cần dẫn nguồn].
Năm 1960 chức vụ được đổi thành Trưởng ban Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, đến năm 1976 đổi thành Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương như hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về toàn bộ hoạt động công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Thường xuyên giữ mối liên hệ công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Quyền hạn và nhiệm vụ
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương có quyền hạn và nhiệm vụ sau:
Chủ trì các công việc, các cuộc họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và của Thường trực Ủy ban; đề xuất những nội dung, chương trình, những vấn đề cần thảo luận, giải quyết nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương do Điều lệ Đảng quy định và nhiệm vụ do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.
Chỉ đạo, chủ trì một số cuộc kiểm tra hoặc thẩm tra, xác minh những trường hợp tổ chức đảng, đảng viên là cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và các thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khi có dấu hiệu vi phạm, bị tố cáo; được Bộ Chính trị, Ban Bí thư uỷ quyền nghe ý kiến trình bày của tổ chức đảng hoặc đảng viên bị thi hành kỷ luật, khiếu nại kỷ luật thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và báo cáo đầy đủ với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.
Trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị nhân sự thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, giới thiệu để Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung khi cần và bầu cho nhiệm kỳ tiếp theo. Trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ từ cấp vụ trở lên của cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tham gia với cấp uỷ trực thuộc Trung ương chuẩn bị nhân sự uỷ ban kiểm tra, nhất là chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra của cấp uỷ đó.
Ký một số văn bản thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo uỷ quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thay mặt Ủy ban Kiểm tra Trung ương ký văn bản trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các quyết định về thi hành kỷ luật thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các quyết định liên quan đến tổ chức bộ máy, cán bộ của cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương và một số văn bản quan trọng khác. Kiểm tra, đôn đốc các thành viên Ủy ban thực hiện đúng nhiệm vụ và quyền hạn được phân công.
Giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ báo cáo kết quả công tác trước Ban Chấp hành Trung ương.
Ủy quyền cho Phó Chủ nhiệm thường trực ký các văn bản theo sự phân công.