Share to:

 

Chu Du

Chu Du
Hình ảnh minh họa Chu Du Đông Ngô
Tên thật Chu Du (周瑜)
Tự Công Cẩn (公瑾)
Tên khác Mỹ Châu Lang
(美周郎)
Thông tin chung
Thế lực Đông Ngô
Chức vụ Đại Đô Đốc
Sinh 175
Thư Thành, An Huy
Mất 210
Nhạc Dương, Hồ Nam
Thân phụ Chu Di (周異)
Hôn phối Tiểu Kiều (小喬)
Con cái Chu Tuần (周循)
Chu Dận (周胤)
Chu Thị (phu nhân của Tôn Đăng)

Chu Du (chữ Hán: 周瑜, bính âm: Zhōu Yú;[1] 175-210), tự Công Cẩn (公瑾), đương thời gọi là Chu Lang (周郎), là danh tướng và khai quốc công thần của nước Đông Ngô thời Tam Quốc.

Chu Du nổi tiếng với chiến thắng ở Xích Bích trước đại quân của Tào Tháo. Trận Xích Bích là trận chiến lớn bậc nhất thời đó, là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giúp phân định cục diện Tam Quốc, nên tên tuổi của ông mãi đi vào lịch sử Trung Quốc.

Trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, nhân vật Chu Du được mô tả là vị tướng tài trí, có uy tín trong toàn quân, nhưng có nhược điểm là đố kị, vì thua trí kém tài Gia Cát Lượng nên luôn tìm cách hãm hại nhân vật này[2][3][4] và cuối cùng bị Gia Cát Lượng bày kế chọc tức 3 lần, khiến vết thương tái phát mà chết.[2][3][4] Đây chỉ là tình tiết hư cấu của nhà văn, không hề có trong sử sách.[2][3][4] Tuy nhiên, do sự nổi tiếng của tác phẩm văn học này, danh tiếng và hình tượng Châu Du trong văn hóa dân gian từ đó bị các tình tiết hư cấu này làm cho xấu đi, và câu nói "Trời sinh Du sao còn sinh Lượng" vẫn được nhiều người nhắc tới dù không có thật.[2][3][4]

Cuộc đời và sự nghiệp

Thời trẻ

Thân thế

Chu Du xuất thân từ gia đình danh giá, nhiều đời đều làm quan. Cha ông là Chu Dị (周異) từng làm Huyện lệnh Lạc Dương,[5] chú là Chu Thượng (周尚) có thời gian làm Thái thú Đan Dương.[6] Ông nội là Chu Cảnh (周景) và bác là Chu Trung (周忠) đều từng làm quan đến chức Thái úy.[7] Ông cố là Chu Vinh (周榮) thời Chương Đế-Hòa Đế làm đến chức Thượng Thư lệnh.[8]

Chu Du sinh ra và lớn lên tại huyện Thư, quận Lư Giang[9] (nay là Thư Thành, An Huy). Sử sách ghi lại rằng ông "cao lớn, cường tráng, đẹp trai",[10] tuổi trẻ đã rất am hiểu âm nhạc. Nếu nhạc đánh sai một nốt, dù đã uống say, Chu Du vẫn biết ngay, bởi vậy thời ấy có câu rằng "Khúc hữu ngộ, Chu Lang cố" (khúc nhạc lỡ sai, Chu Lang ngoảnh lại).[11]

Kết bạn với Tôn Sách

Lư Giang thuộc vùng Hoài Nam của Trung Nguyên, nhưng rất gần đất Ngô Việt. Khi Tôn Kiên khởi binh đánh Đổng Trác (năm 190) đã đưa cả nhà đến đó, ở lại huyện Thư. Chu Du gặp con trai Kiên là Tôn Sách, hai người bằng tuổi nhau,[12] trở thành bạn rất thân.[13]

Chu Du nhường gian nhà phía Nam để gia đình Tôn Sách ở trọ, lại lên nhà lạy chào mẹ của Sách, chia sẻ đồ đạc của cải dùng chung.[14] Hai người cùng kết giao với các danh sĩ ở Giang Nam, trở nên nổi tiếng.[15]

Giúp Tôn Sách lập nghiệp

Năm 191, Viên Thuật phái Tôn Kiên đi đánh Lưu Biểu, Kiên chết trong trận Tương Dương. Tôn Sách sau một thời gian cống hiến cho Thuật không được trọng dụng bèn tìm cách ly khai. Chu Du lúc này đang ở Đan Dương với người chú là quan Thái thú vùng đó.[16]

Chinh phạt Giang Đông

Năm 194, Tôn Sách 20 tuổi, bắt đầu khởi binh ở Lịch Dương, ôm chí muốn sang sông chinh phục Giang Đông, bèn viết thư cho Chu Du. Du lập tức đem binh lương giúp Tôn Sách. Sách rất mừng, nói: "Có ông giúp, việc lớn của ta ắt xong!"[16]

Chu Du cùng Tôn Sách đánh lấy Hoành Giang (橫江), Dương Lợi (當利), rồi vượt sông đánh bại Trích Dung và Tiết Lễ, chiếm được Mạt Lăng (秣陵). Họ tiếp tục đánh Hồ Thục (湖孰), Giang Thừa (江乘), tiến vào Khúc A (曲阿) tấn công Thứ sử Dương châu là Lưu Do, đuổi Do bỏ chạy. Quân Tôn Sách và Chu Du đánh đâu thắng đó, tập hợp được hàng vạn người.[17]

Lúc đó Tôn Sách cho rằng quân lực đã đủ, bảo Chu Du về Đan Dương (gia đình của ông vẫn đang ở đó), còn Sách tiếp tục đi đánh Ngô quận và Cối Kê, bình định vùng Sơn Việt.[18]

Kết giao với Lỗ Túc

Viên Thuật sai em họ là Viên Dận ra làm Thái thú Đan Dương thay Chu Thượng, hai chú cháu cùng về Thọ Xuân.[19] Thuật thấy Du là người có tài, bèn mời làm tướng, nhưng ông nhận thấy Viên Thuật không làm nên việc lớn, nên tìm cách thoái thác, chỉ xin làm quan huyện ở Cư Sào để sau này dễ trở về Giang Đông theo Tôn Sách.[20]

Trong thời gian ở Cư Sào, Chu Du nghe tiếng Lỗ Túc ở Đông Thành giàu có phóng khoáng, hay đem tiền của chia cho người nghèo và thích kết giao danh sĩ, bèn mang trăm người đến chỗ Túc mượn lương thảo. Nhà Lỗ Túc có 2 vựa lúa lớn, liền đem 1 vựa tặng luôn cho Chu Du. Du rất khâm phục, hai người kết bạn với nhau.[21]

Cùng Lỗ Túc sang Giang Đông

Ít lâu sau, Viên Thuật mời Lỗ Túc ra làm quan huyện Đông Thành, nhưng Túc cũng tìm cách từ chối, rồi dẫn cả nhà hàng trăm người đi đến Cư Sào gặp Chu Du. Sang năm 198,[22] cả hai đưa gia quyến cùng rời Cư Sào, vượt sông về Ngô quận.[23]

Tôn Sách nghe tin Chu Du về Ngô quận bèn tự mình ra đón và phong ông làm Kiện Uy Trung Lang Tướng (建威中郎將), giao cho 2000 quân và 50 ngựa chiến.[24] Sách lại cấp cho ông một toán quân nhạc, sửa sang nhà cửa, ban tặng cho nhiều thứ khác, rồi nói:

Chu Lang sánh với Tiểu Kiều

Năm ấy Chu Du 24 tuổi,[26][27] người ở Ngô quận đều khen ngợi ông và gọi là "Chu Lang".[28] Ông được sai trấn thủ Ngưu Chử vốn ở gần Lư Giang, sau đó kiêm chức quan huyện Xuân Cốc.[29]

Năm 199, Tôn Sách muốn đi đánh Hoàng Tổ ở Giang Hạ (thuộc Kinh châu của Lưu Biểu) để báo thù cho cha. Chu Du được phong làm Trung hộ quân, Thái thú Giang Hạ,[30][31] cùng Sách và Lã Phạm, Trình Phổ kéo quân đi.

Trên đường đi thì được tin Viên Thuật chết, lực lượng phân hóa làm hai: Viên Dận đến Hoãn Thành (皖城, còn dịch là Uyển Thành) nương tựa Thái thú Lư Giang là Lưu Huân, còn Dương Hoằng và Trương Huân định đến hàng Tôn Sách nhưng lại bị Lưu Huân chặn đường giết chết.[32]

Tôn Sách rất hận Lưu Huân,[33] dùng kế lừa Lưu Huân đi đánh Thượng Diên[34] rồi cùng Chu Du mang 2 vạn quân tập kích vào quận Lư Giang, chiếm được Hoãn Thành,[32] tiếp quản toàn bộ số quân cũ của Viên Thuật được khoảng 3 vạn.

Tại Hoãn Thành có hai tiểu thư xinh đẹp nổi tiếng, là con của Kiều công. Tôn Sách và Chu Du cùng đến hỏi làm vợ. Giang Biểu truyện của Ngu Phổ chép: Sách đến xem mặt xong, nói đùa với Du rằng:

Tôn Sách lấy Đại Kiều, còn Chu Du lấy Tiểu Kiều.[36]

Bình định Dự Chương, trấn giữ Ba Khâu

Lưu Huân mất thành, chạy về phía tây cầu viện Hoàng Tổ. Hoàng Tổ gửi 5.000 thủy quân thiện chiến tới giúp Lưu Huân. Quân Tôn Sách lại đánh bại Lưu Huân,[37] thu được trên 2.000 quân cùng 1.000 chiến thuyền của Huân.[38]

Lưu Huân phải chạy về phía bắc hàng Tào Tháo. Tôn Sách và Chu Du quay sang đánh Hoàng Tổ. Hai bên đánh một trận lớn ở gần Vũ Xương. Dù có viện binh từ Lưu Biểu, nhưng Hoàng Tổ vẫn bại trận. Tuy thắng nhưng Tôn Sách phải quay về bình định nốt Dự Chương.[37] Hoàng Tổ vẫn giữ được Giang Hạ.

Chu Du theo Tôn Sách tiến đến Dự Chương, dụ hàng Thái thú Hoa Hâm (dưới quyền Lưu Do đã chết), thu được quận Dự Chương.[37] Tôn Sách mang đại quân về Khúc A, Chu Du được lệnh đóng quân trấn giữ Ba Khâu.[37]

Giúp Tôn Quyền

Về Ngô chịu tang, lo việc chính sự

Năm 200, Tôn Sách mới 25 tuổi[39] đã hùng cứ một phương, chiếm lĩnh 5 quận Giang Đông là Cối Kê, Ngô quận, Đan Dương, Dự Chương và Lư Lăng.[40] Một hôm Sách đang cưỡi ngựa ra ngoài thì bị thích khách ám hại,[41] vết thương rất nặng, gọi Trương Chiêu đến dặn dò, trao lại ấn tín cho em là Tôn Quyền rồi chết.[32]

Chu Du nghe tin liền mang binh từ Ba Khâu về Ngô quận chịu tang Tôn Sách. Ông được Tôn Quyền giữ lại, phong làm Trung hộ quân (中護軍) nắm giữ binh quyền,[42] cùng Trưởng sử Trương Chiêu giúp Quyền lo việc đại sự.[43] Ông trở thành nhân vật số 2 trong chính quyền họ Tôn sau Trương Chiêu.[44]

Tình hình Đông Ngô lúc đó

Tôn Sách tuy đã đặt xong nền móng cho nước Đông Ngô sau này, nhưng cái chết của ông đã khiến tập đoàn họ Tôn có nguy cơ tan vỡ, nguyên nhân như Tôn Thịnh nói là: "nghiệp không có tích đức cơ bản, bang không có cơ sở vững chắc".[45] Họ Tôn tuy gốc gác ở Giang Đông, nhưng không phải danh gia "sĩ tộc"; Tôn Kiên khởi nghiệp ở vùng Hoài-Tứ, được cho là "Giang Tây", lại phục vụ cho "phản thần" Viên Thuật. Vì vậy, Tôn Sách đem quân cũ của cha sang sông chinh phạt Giang Đông, thì người Giang Đông coi họ Tôn là người ngoài vào xâm lược, tuy khống chế được 5 quận nhưng là do dùng vũ lực đoạt được, nhiều nơi còn chưa thần phục. Sách lại trấn áp bằng cách "giết các anh hào" chống đối, khiến nhiều người căm hận.[46]

Trong chính quyền non trẻ của họ Tôn lúc này lại không đồng lòng, chia làm 3 phái chính:[47]

  • Một là "tướng lĩnh Hoài-Tứ", gồm những người đã theo Tôn Kiên, Tôn Sách từ trước, cùng vượt sông sang đánh chiếm Giang Đông như: Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Đương, Tưởng Khâm, Chu Thái... và đứng đầu là Chu Du. Nhóm này trung thành với họ Tôn, và chủ yếu là tướng lĩnh quân sự.
  • Hai là "Bắc sĩ lưu vong", gồm những người đã chạy loạn từ phương Bắc xuống miền Nam lánh nạn, như: Gia Cát Cẩn, Bộ Chất, Nghiêm Tuấn, Trương Hoành, và tiêu biểu là Trương Chiêu. Nhóm này chủ yếu là quan văn, tư tưởng phân tán, mỗi người một ý, lo thân mình trước.
  • Ba là "tứ đại gia tộc Giang Đông" gồm Ngu, Ngụy, Cố, Lục, gồm những nhân sĩ như: Ngu Phiên, Ngụy Đằng, Cố Ung, và Lục Tốn. Nhóm này căm ghét họ Tôn, tìm cách chống đối.

Tôn Quyền lúc đó còn nhỏ tuổi, nhờ có Trương Chiêu và Chu Du phò tá, một văn một võ, một già một trẻ, như là hai trụ chống trời, mới khiến sự nghiệp họ Tôn đứng vững và tiếp tục phát triễn.[48]

Lúc trước Lỗ Túc đưa cả nhà sang sông cùng Chu Du, nhưng dừng lại ở Khúc A. Không rõ ông có phục vụ cho Tôn Sách hay không (nếu có thì không được trọng dụng), nhưng Chu Du lúc này tiến cử Túc với Tôn Quyền. Hai người sau khi hội đàm thì tâm đầu ý hợp, Lỗ Túc trở thành nhà hoạch định chiến lược được Tôn Quyền yên mến.[49]

Khuyên Tôn Quyền không gửi con tin

Năm 202, Tào Tháo đánh thắng Viên Thiệu, thế lực rất thịnh, hạ chiếu thư[50] yêu cầu Tôn Quyền đưa con vào Hứa Xương làm con tin. Tôn Quyền triệu tập quần thần thương nghị. Trương Chiêu đứng đầu các quan, nhưng lại do dự không quyết. Quyền bèn dẫn riêng Chu Du đến chỗ mẹ mình để bàn định.[51]

Chu Du phân tích rằng Tôn Quyền nay kế thừa cơ nghiệp cha anh, nắm giữ 6 quận, binh hùng tướng mạnh, quân lương đầy đủ, sản vật giàu có, lòng dân quy phục, có sông nước thuận tiện di chuyển, đủ sức chống bất kỳ kẻ địch nào, chẳng có lý do gì phải gửi con tin để rồi bị lệ thuộc vào Tào Tháo.[52] Ngô thái phu nhân[53] nói:

Quyền nghe lời, không đưa con vào triều làm tin.[54] Tào Tháo đang bận bình định Hà Bắc nên cũng chưa thể quan tâm tới miền Nam.[44]

Xuất binh diệt Hoàng Tổ

Năm 206, Chu Du dẫn theo em họ Tôn Quyền là Tôn Du (孫瑜) đi đánh dẹp hai đồn Ma (麻), Bảo (保) của giặc cướp, chém đầu bọn thủ lĩnh, bắt sống hơn vạn người.[55] Cùng năm ấy, tướng của Hoàng Tổ là Đặng Long (鄧龍) đem mấy ngàn quân xâm nhập Sài Tang, bị Chu Du đem binh truy kích. Long bị bắt sống, giải về Ngô quận.[55]

Năm 208, Tôn Quyền lại ra quân đánh Hoàng Tổ.[56] Chu Du được phong Tiền Bộ Đại Đốc (前部大督), thống lĩnh chư tướng.[57] Chu Du cùng Lã Mông, Lăng Thống, Cam Ninh đốc thúc binh sĩ ra sức tấn công cả hai đường thủy bộ, đại thắng Hoàng Tổ. Tổ bỏ chạy, bị bắt sống và xử tử. Quân Ngô chiếm được Giang Hạ, nhưng Lưu Biểu đưa quân Kinh châu đến cứu, nên phải rút lui. Biểu cho con là Lưu Kỳ trấn thủ Giang Hạ.

Tào Tháo nghe tin Tôn Quyền tiến sang Kinh châu, vội khởi đại quân nam tiến để tranh giành Kinh châu[58].

Thuyết phục Tôn Quyền kháng Tào

Lưu Biểu chết bệnh, con là Lưu Tông đầu hàng Tào Tháo. Tào Tháo chiếm được Kinh Châu, thu được hết thủy quân Kinh châu, chiến thuyền, cùng mấy chục vạn quân bộ, khiến người ở Giang Đông đều kinh hãi, lo lắng.[59]

Tháo lấy danh nghĩa của Hán đế yêu cầu Tôn Quyền đầu hàng. Quyền gọi quần thần dưới trướng đến hỏi kế sách. Đa phần đều cho rằng nên hàng, bởi Tháo mang danh Thiên Tử nay lại được thủy quân Kinh Châu, lợi thế của Trường Giang đã không còn.[59]

Chu Du không đồng ý, cho rằng Tào Tháo "giả danh tướng nhà Hán, kỳ thực là giặc nhà Hán", còn Tôn Quyền "thừa kế cơ nghiệp cha anh, binh hùng tướng mạnh, phải vì nhà Hán diệt trừ kẻ bạo tàn", đồng thời chỉ ra "Tháo đang tự tìm chết" bằng cách phân tích 4 điều kỵ trong binh pháp mà Tào Tháo phạm phải:[60]

  • Đất Bắc chưa thật sự yên, vùng Tây Lương có Mã Đằng, Hàn Toại là mối lo sau lưng Tháo.[60]
  • Thủy chiến vốn là sở trường của quân Ngô-Việt, không phải của quân phương Bắc.[60]
  • Thời tiết hiện rất lạnh, ngựa không có cỏ ăn.[60]
  • Binh sĩ Trung Nguyên không quen thủy thổ phương Nam, sẽ sinh bệnh tật.[60]

Ông tiếp tục: "Du này xin được cấp ba vạn tinh binh, tiến đến đóng giữ Hạ Khẩu, bảo đảm sẽ vì Tướng quân mà phá tan quân giặc."[60]

Tôn Quyền nghe Chu Du phân tích xong, nói "Ngươi nói rất hợp ý cô, thực là trời đem ngươi đến cho ta vậy!",[60] rồi chụp lấy thanh đao chém đứt góc bàn, nói: "Ai còn dám nói đến chuyện đón rước Tháo, sẽ như cái bàn này."[61]

Kết thúc buổi chầu, Chu Du lại vào thưa về thực lực đôi bên để Tôn Quyền khỏi lo lắng:[62]

  • Quân Tào nói có tổng cộng 800.000, thật ra chỉ có khoản 150.000 đến 160.000, lại mệt mỏi lắm rồi.[62]
  • Hàng quân của Lưu Biểu chỉ 70.000 đến 80.000, trong lòng lại hồ nghi.[62]
  • Địch vừa mệt vừa không đồng lòng nên dẫu đông cũng không đáng sợ, chỉ cần 50.000 binh là đủ khắc chế.[62]

Tôn Quyền vỗ vai Chu Du nói "Khanh nói rất hợp lòng Cô". Trước mắt không tập hợp nổi 50.000 người, Chu Du lĩnh 30.000 binh cùng Trình Phổ đi đối địch Tào Tháo ở Xích Bích.[62]

Bùi Tùng Chi chú giải Tam quốc chí cho rằng người đầu tiên khuyên Tôn Quyền đánh Tào là Lỗ Túc, sau đó Chu Du thuyết phục được Quyền hạ quyết tâm, đây là công của cả hai người.[63]

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung đã hư cấu ra tình tiết nhân vật Gia Cát Lượng sử dụng bài phú Đồng Tước đài để khích nhân vật Chu Du đánh Tào, đây là việc hoàn toàn không có thật bởi 3 năm sau đó Tào Tháo mới cho xây Đồng Tước đài, và 2 năm sau nữa Tào Thực mới làm bài phú này.[64] Sử gia Dịch Trung Thiên cho rằng vở kịch "Khổng Minh dùng kế khích Chu Du" của La Quán Trung thật sự khôi hài, dựng nên hình tượng Gia Cát Lượng, Chu Du, Lỗ Túc đều "chẳng ra gì": nhân vật Lỗ Túc ngẩn ngơ đần độn, nhân vật Gia Cát Lượng lên mặt ta đây dối trá lung tung mất tư cách, nhân vật Chu Du không lo quốc gia hưng vong mà đánh Tào chỉ vì ghen tuông...[65]

Xích Bích nổi danh

Hợp quân với Lưu Bị

Lưu Bị thua to ở Trường Bản, phải bỏ cả vợ con[66][67][68][69] chạy về Hạ Khẩu. Lúc này Lỗ Túc đến, giới thiệu rằng mình là bạn Gia Cát Cẩn, khuyên Lưu Bị liên minh với Tôn Quyền. Bị cử Gia Cát Lượng làm sứ giả tới Giang Đông.[70]

Quyền phong cho Chu Du là Tả Đô Đốc (左督),[71] Trình Phổ làm Hữu Đô Đốc (右督),[71] Lỗ Túc làm Tham quân Hiệu Úy, dẫn 3 vạn binh mã đi hợp quân với Lưu Bị.[72]

Tôn, Lưu lo lắng; Chu Du tự tin

Lúc Chu Du dẫn quân đi, Tôn Quyền vẫn nghi ngờ khả năng chiến thắng. Quyền vỗ vai ông, nói: "Đô đốc hãy tận lực, dốc hết sức, nếu có gì không thuận lợi thì còn có ta đây. Ta sẽ quyết một trận sống mái với Tào Tháo, quyết không hối hận."[73][74]

Thuyền của Chu Du đi trước ra Phàn Khẩu, đại quân chưa đến, thì Lưu Bị đã tới gặp. Hai người bàn chuyện ở trên thuyền, Bị hỏi quân số Đông Ngô được bao nhiêu. Chu Du thản nhiên trả lời: "Chỉ có hơn 3 vạn." Lưu Bị rất thất vọng và lo lắng vì thấy quân quá ít. Chu Du tự tin nói: "Lưu Dự Châu xem tôi đánh bại Tào A Man nhé!"[73][75][76]

Lưu Bị về trại càng nghĩ càng thấy lo sợ, ngầm sai Quan Vũ đi bố trí sẵn ở bờ bắc sông Hán Thủy, đề phòng nhỡ khi thua thì còn có chỗ đấy để chạy về.[73][75][76]

Dùng kế của Hoàng Cái, hỏa thiêu Xích Bích

Đúng như tiên đoán của Chu Du,[60] quân Tào bị dịch bệnh, mới giao chiến một trận đã thua, phải thối lui đóng ở bờ bắc sông Xích Bích, quân Ngô đóng ở bờ nam.[77]

Quân của Chu Du ít hơn nhiều, nhưng lại chiếm ưu thế về thủy chiến, Tào Tháo không thể qua sông nên đóng trại ở bờ bắc để huấn luyện quân. Lúc này là mùa đông giá rét, gió bắc thổi mạnh, thuyền bè chao đảo, trong quân Tào nhiều người mắc bệnh. Để giải quyết vấn đề này, Tào Tháo ra lệnh dùng xích sắt nối thuyền lớn lại[78] theo lối của kị binh liên hoàn mã, gọi đó là "Liên hoàn thuyền".

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung đã thêm tình tiết hư cấu rằng Bàng Thống bày ra kế "liên hoàn thuyền" để lừa Tào Tháo, giúp Chu Du chiến thắng. Việc này hoàn toàn không được ghi trong bất kỳ sách sử nào.

Bộ tướng của Chu Du là Hoàng Cái hiến kế: "Tôi quan sát thấy chiến thuyền của quân Tháo đầu đuôi liên tiếp nhau, có thể dùng kế hoả công để chúng phải bỏ chạy vậy." Chu Du nghe theo, lập tức cho chọn lấy mấy chục chiến thuyền, che trùm kín mít, chứa đầy cỏ khô, trong tẩm dầu mỡ, ngoài dùng vải che kín, trên cắm cờ xí;[79] ngoài ra Cái còn chuẩn bị nhiều thuyền nhỏ để trốn thoát.[80]

Hoàng Cái gửi thư giả đầu hàng Tào Tháo,[79] vào một đêm có gió đông nam, quân Ngô dùng hỏa công đánh trại của Tào Tháo. Các chiến thuyền quân Tào bị khóa không chạy tản ra được, đều bị thiêu.[80] Chu Du cùng các tướng cưỡi thuyền nhẹ theo sau, cho quân đánh trống vang to như sấm, lửa lan lên doanh trại trên bờ, quân Tào tan vỡ, Tào Tháo bỏ chạy.[81]

Do bị liên quân của Tôn Quyền và Lưu Bị đuổi, Tào Tháo cho Tào Nhân giữ Nam Quận, rồi rút về phương bắc.[82] Trận Xích Bích đưa tên tuổi Chu Du nổi lên, và được liệt vào hàng những tướng giỏi của lịch sử Trung Quốc.

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung đã hư cấu ra hàng loạt tình tiết miêu tả mưu kế thần thánh của nhân vật Gia Cát Lượng trong suốt chiến dịch Xích Bích như "thuyền cỏ mượn tên", cùng Chu Du viết chữ "Hỏa" trong lòng bàn tay, lập đàn hô mưa gọi gió đông (tất cả đều không có thật) khiến nhân vật Chu Du ghen tức tài năng. Trên thực tế, theo các sử gia, Gia Cát Lượng không những không có vai trò quân sự gì trong trận Xích Bích, mà còn "đã học tập được nhiều điều bổ ích ở Chu Du và Lỗ Túc".[83]

Lưu Bị, Tào Tháo gièm pha

Trong một bữa tiệc, Tôn QuyềnLưu Bị nói chuyện về thứ bậc các quan tướng, Bị khen Chu Du:[84]

"Công Cẩn văn võ thao lược, là anh tài trong đám vạn người."[84]

nhưng sau đó lại chêm thêm rằng:[84]

"Xem người có chí khí lớn như thế, sợ rằng chẳng chịu làm kẻ bầy tôi tầm thường lâu."[84]

Tào Tháo thua chạy về đến Trung Nguyên, tuyên bố rằng mình chẳng có gì phải xấu hổ, rồi gửi thư cho Tôn Quyền, viết:

"Chiến dịch Xích Bích, gặp lúc có dịch bệnh, Cô đốt thuyền rồi tự lui quân, không ngờ Chu Du thu được cái hư danh ấy."[84]

Cái danh của Chu Du vang xa, nên Tào Tháo, Lưu Bị đều sợ mà gièm pha[84]. Thế nhưng dù người khác có bình luận ra sao thì Tôn Quyền vẫn một lòng tín nhiệm Chu Du.[85]

Tưởng Cán dụ hàng

Năm 209[86], Tào Tháo sai người bạn cũ của ông là Tưởng Cán đến thăm và dụ hàng ông. Dù Tưởng Cán đóng vai kẻ sĩ nhàn tản đến gặp với tư cách bạn bè, Chu Du vẫn nhận ra dụng ý của họ Tưởng. Ông hậu đãi Tưởng Cán mấy ngày rồi nói thẳng quan điểm của mình không bao giờ thay lòng đổi dạ thờ họ Tôn. Tưởng Cán biết không thể dụ được ông, đành quay về báo lại cho Tào Tháo[87]. Các danh sĩ Giang Đông vì vậy càng kính phục Chu Du.[58]

Vây chiếm Giang Lăng

Chu Du cùng Trình Phổ tiến đánh Nam Quận.[88] Hai bên còn chưa giao tranh thì Chu Du đã phái Cam Ninh đi chiếm Di Lăng. Ninh bị quân Tào bao vây, cầu cứu Chu Du. Du nghe lời Lã Mông, để Lăng Thống giữ hậu phương, còn mình đích thân cùng Mông đi giải vây Cam Ninh.[89]

Lưu Bị nói với Chu Du rằng: "Thành Giang Lăng lương thảo rất nhiều, tôi sai Trương Dực Đức dẫn một nghìn người đi theo ngài, ngài chia hai nghìn quân đi theo tôi, tôi theo dòng Hạ Thủy xuống cắt đứt hậu phương của Nhân, Nhân hay tin tôi đến tất bỏ chạy." Du đưa thêm hai nghìn người cho Bị.[90]

Hai bên chuẩn bị đại chiến, Chu Du thân chinh cưỡi ngựa đi trước trận thì bị tên bắn trúng sườn, phải lui về. Tào Nhân nghe tin ông phải nằm không dậy được, liền kéo ra khỏi thành bày trận tiến đánh. Chu Du đang trọng thương vẫn cố gắng ngồi dậy, đích thân đi xem xét quân doanh, khích lệ tinh thần binh sĩ. Tào Nhân thấy vậy rút quân về.[91]

Quan Vũ theo lệnh biệt phái của Lưu Bị và Chu Du, mang quân lên phía Bắc nhằm chia cắt liên lạc giữa Thượng Giang và Giang Lăng, chặn đường rút lui của Tào Nhân, nhưng liên tiếp bị Lý Thông, Nhạc Tiến, Văn Sính đánh đại bại, kho lương và chiến thuyền của Vũ ở Tầm Khẩu bị đốt sạch.[92][93][94] Do vậy, đường tiếp tế của quân Tào cho Giang Lăng vẫn thông suốt.

Quân Ngô bao vây thành Giang Lăng hơn một năm, cuối cùng quân Tào tổn thất quá nặng, phải rút về Tương Dương, quân Ngô chiếm được phần lớn Nam Quận. Tôn Quyền bèn phong cho Chu Du làm Thiên tướng quân (偏將軍) kiêm thái thú Nam Quận, được hưởng thực ấp ở các huyện Hạ Tiêu, Hán Xương, Lưu Dương và Châu Lăng, trụ sở đóng tại huyện Giang Lăng thuộc Nam Quận.[95]

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung đã hư cấu ra việc nhân vật Gia Cát Lượng dùng mưu phỗng tay trên đoạt cả Giang Lăng và Tương Dương, khiến nhân vật Chu Du tức thổ huyết. Tuy nhiên trong các hồi sau, tác giả lại quên mất và cho Tương Dương nằm trong tay Tào Tháo, rồi Quan Vũ lại đến đánh chiếm Tương Dương. (Tất cả đều là hư cấu, trên thực tế Giang Lăng trở thành dinh sở của tân thái thú Nam Quận Chu Du, còn quân Tào chưa bao giờ mất Tương Dương trong suốt thời Tam Quốc).

Hiến kế và sách lược tương lai

Trong lúc quân Ngô khổ chiến với quân Tào thì Lưu Bị cũng tranh thủ giành đất Kinh châu, chiếm được vài quận phía nam. Lưu Bị sau đó còn sang Ngô Quận gặp Tôn Quyền đề nghị cho mượn Nam quận, với danh nghĩa "mượn Kinh châu" để cùng chống Tào Tháo. Chu Du nghe tin bèn viết thư cho Tôn Quyền phản đối việc này. Ông đề nghị hãy giữ Lưu Bị lại, dùng mỹ nhân lung lạc, và ly cách với các mãnh tướng Quan Vũ, Trương Phi, điều hai tướng này đi chinh chiến để lợi dụng tài năng của họ.

Mặc dù Tôn Quyền chưa đồng ý cho Lưu Bị mượn Nam quận, nhưng ông vẫn rất coi trọng liên minh với Lưu Bị để cùng chống Tào Tháo còn rất mạnh ở phía bắc, nên không tiếp nhận kế giam lỏng Lưu Bị của của Chu Du[96].

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung đã hư cấu ra việc nhân vật Gia Cát Lượng tiên đoán trước mọi việc, viết sẵn 3 cẩm nang cho nhân vật Triệu Vân, lợi dụng nhân vật hư cấu là Ngô quốc thái và Kiều Công (lúc đó đã mất từ lâu) để khiến nhân vật Chu Du "đã mất phu nhân lại thiệt quân".

Đánh giá về mưu kế của Chu Du, các học giả Trung Quốc cho rằng: Giam lỏng Lưu Bị thì khả thi và cũng là một độc kế, nhưng lợi dụng Trương Phi và Quan Vũ phục vụ cho mình thì khó mà thực hiện được và Chu Du không hiểu quan hệ gắn bó của 3 người Lưu Quan Trương tới mức nào[97].

Kế đó không thành, Chu Du lại nghĩ kế khác, đề nghị với Tôn Quyền:

Tào Tháo mới bị đại bại, không thể cử binh đánh ta. Đây là thời cơ tốt để ta mở rộng thế lực. Tôi xin cùng Phấn uy tướng quân Tôn Du đánh vào chiếm đất Thục, được Thục rồi diệt Trương Lỗ. Sau đó lưu Phấn uy tướng quân ở lại cố thủ, liên kết với Mã Siêu cùng chống Tào. Tôi sẽ trở về cùng ngài đánh chiếm Tương Dương, tập kích Tào Tháo, tiến lên phía bắc.

Kế sách này của Chu Du được xem là có tầm nhìn xa trông rộng, được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao[98]. Bên ngoài là đối địch với Tào Tháo, bên trong là ngầm thanh toán Lưu Bị[99].

Tôn Quyền tán thành mưu kế của Chu Du. Ông quay về Giang Lăng gấp, chuẩn bị cho cuộc chiến.

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung đã hư cấu rằng việc đánh Thục chỉ là "kế mượn đường diệt Quắc" của nhân vật Chu Du để cướp "Kinh Châu", nhưng bị nhân vật Gia Cát Lượng vạch trần. Sau nhiều lần bị chọc tức, nhân vật Chu Du kêu lên "Trời sinh Du sao còn sinh Lượng" rồi chết. Đây hoàn toàn là màn kịch do La Quán Trung tự tô vẽ nên để tâng bốc Gia Cát Lượng,[2][3][4] nhân vật này sau đó còn "chọc tức" làm chết nhân vật Tào Chân và nhân vật Vương Lãng (cũng đều là việc hư cấu).

Qua đời

Đang gấp rút chuẩn bị cuộc chiến thì Chu Du bị bệnh nặng ở Ba Khâu[100]. Biết mình không qua khỏi, Chu Du viết lại thư gửi Tôn Quyền, dặn lại 3 việc:

  1. Đề cử Lỗ Túc thay mình cầm quân
  2. Phải đề phòng Tào Tháo ở phía bắc ("Tào công phía bắc, biên cương không yên")
  3. Không thể quên nguy cơ từ Lưu Bị ("Lưu Bị ở nhờ khác nào nuôi hổ").

Rồi Chu Du qua đời, năm đó ông 36 tuổi (năm 210). Tôn Quyền nghe tin khóc than: "Công Cẩn có tài phò vương, nay chợt đoản mệnh, cô còn biết nhờ cậy ai!"[101], rồi tự mình mặc áo tang đến để tang ông[98]. Linh cữu Chu Du được chuyển về Ngô Quận, Tôn Quyền ra tận Vu Hồ nghênh đón.

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung đã hư cấu ra việc nhân vật Gia Cát Lượng đến dự tang lễ của Chu Du, nhân vật Lỗ Túc cảm động khóc, ca ngợi Gia Cát Lượng và chê bai nhân vật Chu Du là "hẹp hòi, tự chuốc lấy cái chết".

Sau này Tôn Quyền xưng đế (năm 229), vẫn nhớ tới Chu Du:

"Không có Chu Công Cẩn, cô không có được ngai vị hoàng đế này".[102]

Tuy nhiên, Tôn Quyền không phong thụy hầu cho bất kỳ quan tướng Đông Ngô nào, do vậy Chu Du không có tước hầu.

Cái chết của Chu Du khiến Lưu Bị và Gia Cát Lượng bớt được áp lực lớn từ phía Đông Ngô, vì người kế tục ông là Lỗ Túc chủ trương hòa hiếu với Lưu Bị.

Tài năng và nhân cách

Tài năng

Chu Du từ lúc mới 20 tuổi đã cùng Tôn Sách đi chinh chiến khắp Giang Đông, giúp Sách đặt nền móng cho Đông Ngô sau này. Sau khi Tôn Sách chết, ông tiếp tục thống lĩnh quân đội của Tôn Quyền, các trận đánh lớn, nhỏ do ông chỉ huy hầu hết đều đạt được thắng lợi. Việc Chu Du khuyên Tôn Quyền không đưa con và triều làm con tin[52] cũng cho thấy khả năng phân tích tình hình và nhận định chiến lược của ông.

Sau khi liên quân thắng trận, Lưu Bị tuy muốn ly gián Chu Du và Tôn Quyền, nhưng vẫn phải khen ông rằng:[84]

"Công Cẩn văn võ thao lược, là anh tài trong đám vạn người."[84]

Sau này, Tôn Quyền cùng Lục Tốn đàm luận về Chu Du: "Công Cẩn hùng liệt, đảm lược hơn người, đánh bại Mạnh Đức, khai phá Kinh Châu, cao xa thì khó kế thừa, khanh (Lục Tốn) nay làm được." [103]

Năm 731, Đường Minh Hoàng cho xây Võ miếu đầu tiên gọi là Thái Công Thượng phụ miếu, thờ chủ thần là Khương Thái công cùng 10 danh tướng các thời. Năm 782, Đường Đức Tông đưa thêm vào Võ miếu một số danh tướng như Tôn Tẫn, Liêm Pha, Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh... trong đó thời Tam quốc có Chu Du,[104] Đặng Ngải, Quan Vũ, Trương Phi.

Trần Văn Đức, tác giả sách Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện (thuộc thể loại Tam Quốc ngoại truyện) đánh giá Chu Du là một thiên tài quân sự. Những phân tích của Chu Du về thực lực của quân Tào trước trận Xích Bích cho thấy ông có thiên tài vạch sách lược chiến đấu, lại liên tục ở chiến trường nên thông tin tình báo của ông rất phong phú và chính xác, các quan tướng Đông Ngô khác đều không sánh kịp. Gia Cát Lượng dẫu chú trọng việc tình báo cũng không nắm rõ tình hình quân Tào bằng ông.[105] La Quán Trung khi viết tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa đã miêu tả rằng nhân vật Chu Du ghen tức tài năng của nhân vật Gia Cát Lượng, đây là sự hư cấu mang tính tiểu thuyết của nhà văn, không chính xác về mặt lịch sử.[2][3]

Dịch Trung Thiên, tác giả sách Phẩm Tam Quốc cho rằng Chu Du có lẽ đánh trận rất đẹp, chỉ huy quân đội cũng giống như chỉ huy ban nhạc, biến chiến tranh thành nghệ thuật, thân là tướng soái mà quạt lông khăn lượt thì đấy là phong thái của nho tướng, bày mưu trong trướng, theo kế chỉ huy, cuối cùng đã khắc địch, lấy ít đánh nhiều giành lấy phần thắng. Chu Du lúc này được coi là vị tướng tài ba, ý chí ngời ngời, nổi tiếng khắp nơi.[106] Lúc đó Chu Du thậm chí còn không nghĩ Gia Cát Lượng sẽ là địch thủ hàng đầu của mình, chẳng cớ gì phải tìm cách ám hại.[4]

Nhân cách

Tưởng Cán được Tào Tháo phái đi dụ Chu Du về với mình, lúc trở về nói rằng: "Chu Du tao nhã tột bậc, rộng lượng, có chí khí lớn, không thể dùng lời nói mà ly gián được".[107]

Ngô Lục của Trương Bột chép: Lưu Bị mượn 2.000 quân của Chu Du, Du liền đưa thêm hai nghìn người cho Bị.[90]

Chu Du là người có chí lớn, phong độ hơn người, nói năng đĩnh đạc. Ông đối đãi với mọi người rất khiêm tốn, lễ phép và thường lấy đức để thu phục mọi người. Thời Tôn Sách, Tôn Quyền còn trẻ và chỉ làm tướng quân, mọi người thường thiếu lễ độ, nhưng Chu Du vẫn rất giữ phép tắc.[108][109]

Trình Phổ lớn tuổi hơn Chu Du nhưng chức vụ ở dưới, thường tỏ ý không phục, nhiều lần lấn át, khinh thị ông. Chu Du vẫn nhún nhường, nhất định không so bì tranh chấp với Trình Phổ. Sau này dần khiến Trình Phổ phải tự kính trọng, khâm phục ông.[108] Phổ nói với người khác rằng:

Người đương thời cho là Chu Du khiêm nhường mà thu phục được người khác.[108]

Nhà văn La Quán Trung khi viết tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa (thế kỷ 14) cũng mô tả Chu Du là người lễ độ nho nhã, rất được binh sỹ yêu mến, nhưng nhân vật Chu Du lại hẹp hòi đố kỵ với Gia Cát Lượng, điều này thì trong sử sách hoàn toàn không có ghi lại, chỉ là do nhà văn hư cấu để đề cao nhân vật Gia Cát Lượng.[2][3][4]

Am hiểu âm luật

Chu Du có khí chất tài hoa. Ông không chỉ trau dồi nhân phẩm, giỏi trận mạc mà còn am hiểu nghệ thuật, nhất là âm nhạc. Ngay cả khi rượu đã 3 tuần, tức đã ngà ngà say, ông vẫn nhận ra được khi có nốt nhạc bị đánh sai. Vậy nên mới có chuyện người đương thời lưu truyền câu "Khúc hữu ngộ, Chu Lang cố" (Nốt nhạc đánh sai, Chu Lang ngoảnh lại).[11] Một võ tướng mà nắm vững âm luật như thế, thì chắc chắn cũng biết rõ cách điều binh khiển tướng, nắm vững nghệ thuật tiến hành chiến tranh.[98]

Nhà thơ Lý Đoan thời Đường có bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt Minh tranh (鳴箏) nhắc đến điển cố trên:

Chữ Hán Phiên âm Dịch nghĩa
鳴箏金粟柱 Minh tranh kim túc trụ Gảy chiếc đàn tranh có trụ vàng
素手玉房前 Tố thủ ngọc phòng tiền Bàn tay nõn nà trước phòng ngọc
欲得周郎顧 Dục đắc Chu Lang cố Muốn được Chu Lang ngoảnh lại nhìn
時時誤拂弦 Thời thời ngộ phất huyền Nên thỉnh thoảng lại gảy nhầm dây

Quạt lông, khăn lược

Nhà thơ nổi tiếng Tô Đông Pha vào thế kỷ 11 đã viết bài Niệm nô kiều - Xích Bích hoài cổ (念奴嬌-赤壁懷古), trong đó miêu tả Chu Du tay cầm quạt lông, đầu đội khăn lược, phong thái anh hùng, nói cười khoan khoái mà tiêu diệt quân Tào.

Chữ Hán Phiên âm Dịch nghĩa
遙想公瑾當年 Dao tưởng Công Cẩn đương niên Nhớ lại Công Cẩn thời bấy giờ
小喬初嫁了 Tiểu Kiều sơ giá liễu Mới vừa cưới Tiểu Kiều[110]
雄姿英發 Hùng tư anh phát Tư thái anh hùng
羽扇綸巾 Vũ phiến luân cân Quạt lông khăn lụa
談笑間 Đàm tiếu gian Giữa lúc nói cười
檣櫓灰飛煙滅 Cường lỗ hôi phi yên diệt Giặc mạnh tiêu theo khói

Thật ra Chu Du ăn mặc thế nào thì sử sách không ghi lại, Tô Đông Pha cũng không thể biết được. Ở đây nhà thơ muốn nói lên phong cách nho nhã của Chu Du.

Gia đình và hậu duệ

Khoảng giữa năm 198 đến năm 199, Chu Du cùng Tôn Sách đánh chiếm Hoãn Thành thành, gặp được 2 cô con gái của Kiều công là Nhị Kiều. Chu Du lấy Tiểu Kiều (小喬) làm vợ, còn Tôn Sách lấy Đại Kiều (大喬). Khi đấy, Chu Du và Tôn Sách chỉ mới 24 tuổi, đều là nhân sĩ thành đạt, cho nên Tôn Sách nói với Chu Du rằng "hai người con gái của Kiều công tuy sắc nước hương trời, nhưng lấy được hai chúng ta làm chồng, chắc cũng mãn nguyện".

Chu Du có hai con trai và một con gái, tuy nhiên không rõ có phải do Tiểu Kiều sinh ra hay không:

  • Con trai lớn tên là Chu Tuần (周循); có cử chỉ và phong thái rất giống cha. Tôn Quyền gả người con gái rất mực yêu quý là Tôn Lỗ Ban cho ông và phong chức Kị Đô Úy (騎都尉), nhưng ông chết sớm.
  • Con trai thứ tên Chu Dận (周胤); cưới vợ là người trong họ tộc của Tôn Quyền. Ông làm tới chức Hưng Nghiệp Đô Úy (興業都尉), chỉ huy 1000 quân tại thành Công An (公安). Năm 229, Tôn Quyền xưng đế và phong ông làm Đô Hương hầu (都鄉侯). Sau này, do phạm tội nên Chu Dận bị đày tới quận Lư Lăng. Năm 239, Gia Cát CẩnBộ Chất dâng biểu nhắc tới những công lao đóng góp ngày xưa của Chu Du, xin ân xá và phục hồi chức tước cho Chu Dận. Tôn Quyền miễn cưỡng đồng ý nhưng ông cho rằng mức độ phạm tội của Chu Dận quá nặng, và nói rằng Chu Dận không biết hối hận. Tuy nhiên, sau nhiều lần thúc giục từ Gia Cát Cẩn, Bộ Chất, Chu NhiênToàn Tông, Tôn Quyền đã đồng ý, nhưng Chu Dận đã chết vì bệnh trong khi bị lưu đày. Sự nghiệp lẫy lừng của Chu gia cũng vì thế mà tiêu tùng trong tay người con thứ này.
  • Con gái của Chu Du lấy con trai lớn của Tôn Quyền là Thái tử Tôn Đăng, sinh được 3 người con.

Theo ông Chu Bá Tuyền, Ủy viên Thường vụ Ủy ban Nghiên cứu lịch sử văn hóa Viêm Hoàng Trung Quốc, hậu duệ đời thứ 63 của Chu Du, thì con cháu của Chu Du hiện tụ cư đông nhất ở vùng Mật Hồ, An Phúc, tỉnh Giang Tây với 35 hộ - hơn 130 người. Đây là dòng chính từ Chu Dận, con trai thứ của Chu Du. Ông Chu Bá Tuyền còn cho biết diễn viên điện ảnh nổi tiếng Chu Nhuận Phát chính là hậu duệ của Chu Du, thuộc dòng chính từ Chu Ứng Đẩu tách ra nhánh Chu gia ở Triều Dương - Quảng Đông.

Trong văn học nghệ thuật

Chu Du là một nhân vật trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, xuất hiện từ hồi 15 đến hồi 56.

Tam Quốc diễn nghĩa mô tả Chu Du khá sát với lịch sử, là người văn võ song toàn và rất trung thành với Tôn Quyền. Nhưng do lấy Thục Hán làm chính thống và để câu chuyện thêm phần kịch tính, La Quán Trung đã sáng tác nhiều tình tiết mô tả việc nhân vật Chu Du e ngại Gia Cát Lượng sẽ là mối họa cho Đông Ngô, nên nhiều lần tìm cách mưu hại nhân vật Gia Cát Lượng, nhưng lần nào ông cũng bị Gia Cát Lượng qua mặt (những tình tiết này hoàn toàn là hư cấu, không có trong sử sách).[2][3][4]

Vì muốn đề cao Gia Cát Lượng, La Quán Trung đã hạ bớt vai trò của Chu Du trong trận Xích Bích. Các học giả sau này vạch ra sự vô lý của hồi 44: "Khổng Minh dùng kế khích Chu Du"[111]:

Khi 3 người Chu Du, Gia Cát Lượng và Lỗ Túc gặp nhau trong buổi đêm hôm đó đột nhiên Chu Du và Gia Cát Lượng tỏ ý muốn đầu hàng Tào, chỉ còn lại Lỗ Túc muốn chống Tào. Chu Du bị Gia Cát Lượng khích bác nguy cơ mất người vợ đẹp (Tiểu Kiều) về tay Tào Tháo nếu để thua quân Tào khiến ông nổi giận quyết tâm đánh họ Tào. Điều vô lý được chỉ ra là Chu Du vốn luôn được mô tả là người có ý định chủ chiến (phái diều hâu - đối nghịch với Trương Chiêu) từ đầu sau khi nhận lời ký thác của Tôn Bá Phù; Gia Cát Lượng thì một lòng một dạ sang Giang Đông bằng mọi giá phải kéo được Tôn Quyền ngả theo Lưu Bị để cứu Lưu Bị trong cơn nguy cấp, vì vậy không có lý gì tỏ thái độ vờ vĩnh với Chu và Lỗ. Tác giả Dịch Trung Thiên khi phân tích đoạn này coi đó là một màn kịch khôi hài của La Quán Trung, hình tượng cả ba nhân vật Chu Du, Gia Cát Lượng và Lỗ Túc đều khác xa thực tế. Hình ảnh Chu Du từ một con người nuôi chí lớn xây dựng cơ nghiệp Giang Đông phù họ Tôn, bắc phạt họ Tào trở thành một người hăng máu đánh trận Xích Bích chỉ vì ghen tuông.

Ngoài ra, trong trận Xích Bích, La Quán Trung còn kể việc nhân vật Chu Du muốn nổi lửa đốt thủy trại quân Tào phải nhờ có nhân vật Gia Cát Lượng cầu gió đông. Sau trận Xích Bích, nhân vật Chu Du trở thành người nhọc công chiến đấu nhưng bị nhân vật Gia Cát Lượng giúp Lưu Bị nẫng tay trên mất 3 quận Kinh châu, khiến ông uất quá thổ huyết.

Việc Tưởng Cán đến dụ Chu Du ở hồi 45 được La Quán Trung gắn với trận Xích Bích, khi Tào Tháo mang đại quân áp sát biên giới Đông Ngô. Tam Quốc diễn nghĩa kể rằng trong lần gặp Tưởng Cán, Chu Du còn lợi dụng Tưởng Cán đưa tin thất thiệt khiến Tào Tháo nghi ngờ giết 2 đô đốc thủy quân giỏi của Kinh châu mới về hàng là Trương Doãn và Sái Mạo, khiến quân Tào không còn tướng chỉ huy quân thủy giỏi. Kỳ thực, Tào Tháo sai Tưởng Cán đi dụ ông sau trận thua lớn ở Xích Bích[112].

Những tình tiết nhân vật Chu Du 3 lần bị nhân vật Gia Cát Lượng chọc tức dẫn tới cái chết của ông đều là hư cấu của La Quán Trung. Ông bị La Quán Trung mô tả là người đố kỵ và luôn tìm cách hại Gia Cát Lượng nhằm trừ đi mối họa cho Đông Ngô. Ngay trước khi nổi lửa ở Xích Bích, nhân vật Chu Du đã có ý định trừ khử nhân vật Gia Cát Lượng nhưng không thành. Trước khi chết, nhân vật Chu Du uất hận than: "Trời đã sinh ra Du sao còn sinh ra Lượng?" Trong bộ "Tướng soái cổ đại Trung Quốc" của các tác giả Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Tuyết và Dương Hiệu Xuân có ghi: "đó là lời lẽ của nhà văn, hoàn toàn không đáng tin cậy"[113]. Trong sách "Phẩm Tam Quốc" của Dịch Trung Thiên viết: nhắc tới vị danh tướng Giang Đông, người ta thường nghĩ ngay đến câu chuyện "Ba lần chọc tức Chu Du", là "Đã sinh Du sao còn sinh Lượng" và "Chu Du mẹo giỏi yên thiên hạ, đã mất phu nhân lại thiệt quân" v.v... Tiếc thay, đó là tiểu thuyết, không phải lịch sử, trong sử Gia Cát Lượng chưa từng chọc tức Chu Du. Và dù có chọc tức cũng không thể chết được. Vì sao vậy? Bởi vì Chu Du tính tình mạnh mẽ, hào phóng... Ngược lại, Gia Cát Lượng, một người đức độ cao siêu lại được coi là "Ba lần chọc tức Chu Du", được mô tả thành "kẻ tiểu nhân gian trá hiểm ác" (lời Hồ Thích), nghĩ xem, đau xót biết chừng nào! Chúng ta thấy, lịch sử xa cách chúng ta, có lúc xa cách đến như vậy.[114]

Phim ảnh

Nhân vật Chu Du trên phim ảnh Trung Quốc xuất hiện trong các bộ phim Tam Quốc diễn nghĩaĐại chiến Xích Bích. Trong phim Tam Quốc diễn nghĩa, vai Chu Du do diễn viên Hồng Vũ Trụ đóng. Nhân vật Chu Du trong phim Đại chiến Xích Bích do diễn viên Lương Triều Vỹ thể hiện.

Thơ ca

Chu Du là nhân vật tài hoa, có cá tính đậm nên thường được các thi nhân đời sau nhắc lại, tên của ông hay gắn với trận đại chiến Xích Bích:

  • Đỗ Mục trong bài Xích Bích hoài cổ có 2 câu nổi tiếng:
Đông phong bất dữ Chu Lang tiện
Đồng Tước xuân thâm toả nhị kiều

Nghĩa là:

Gió đông không giúp Chu Lang
Thì đài Đồng Tước khoá xuân hai Kiều.
  • Tô Thức thời Tống, trong bài từ nổi tiếng điệu Niệm nô kiều có nhắc đến Chu Du:
Đại giang đông khứ,
Lãng đào tận thiên cổ phong lưu nhân vật.
Cổ luỹ tây biên,
Nhân đạo thị Tam Quốc Chu Du Xích Bích

Nghĩa là: Sông lớn chảy về Đông, cuốn đi hết thảy nhân vật phong lưu ngàn thuở, thành lớn ở phía Tây người bảo đó là Tam Quốc, Chu Du, Xích Bích.

  • Tản Đà trong bài hát nói Hỏi gió cũng nói về Chu Lang:
Thử thị Đà Giang, phi Xích Bích
Dã vô Gia Cát dữ Chu Lang!
Nghĩa là:
Đây là sông Đà, không phải Xích Bích
Không có Gia Cát với Chu Lang.

Xem thêm

Tham khảo

  • Lê Đông Phương, Vương Tử Kim (2007), Kể chuyện Tần Hán, Nhà xuất bản Đà Nẵng
  • Lê Đông Phương (2007), Kể chuyện Tam Quốc, Nhà xuất bản Đà Nẵng
  • Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân (2006), Tướng soái cổ đại Trung Hoa, tập 1, Nhà xuất bản Lao động.
  • Dịch Trung Thiên (2010), Phẩm Tam Quốc, Nhà xuất bản Công an nhân dân.
  • Trần Văn Đức (2008), Khổng Minh Gia Cát Lượng đại truyện, Nhà xuất bản Văn học

Chú thích

  1. ^ “Từ điển tiếng Hán - tiếng Anh với bính âm tên Chu Du”.
  2. ^ a b c d e f g h Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Tuyết, Dương Hiệu Xuân - Tướng Soái Cổ Đại Trung Hoa (Nhà xuất bản Thanh Niên 2002) Tập 1 trang 802: Chu Du đối với mọi người rất lễ phép, khiêm tốn... thường lấy đức để thu phục lòng người... nói Chu Du hẹp lượng, đố kỵ hiền tài, bị người khác khích cho tức lên mà chết, chỉ là lời lẽ của nhà văn, không đáng tin cậy.
  3. ^ a b c d e f g h Trần Văn Đức, Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện (Nhà xuất bản Văn Hóa Thông tin 2003), trang 217: Theo "Tam quốc diễn nghĩa" tô vẽ, Chu Du lòng dạ nhỏ nhen luôn nghĩ cách hãm hại Gia Cát Lượng. Thực ra Chu Du trong lịch sử chẳng những là người bao dung, mà còn khiêm tốn nữa, lại rất chiếu cố với Gia Cát Lượng... Năm đó Chu Du 34 tuổi, về kinh nghiệm trên võ đài quốc tế và thực tế chiến trường, đều hơn hẳn Gia Cát Lượng mới 28 tuổi. Có thể tin rằng, trong chiến dịch này (Xích Bích), Gia Cát Lượng đã học tập ở hai vị tiền bối ưu tú (Chu Du và Lỗ Túc) khá nhiều điều bổ ích.
  4. ^ a b c d e f g h Dịch Trung Thiên, Phẩm Tam Quốc (Nhà xuất bản CAND 2010), Tập 1, trang 6-8: Nói về Chu Du: Nhắc tới vị danh tướng Giang Đông, người ta thường nghĩ ngay đến câu chuyện "Ba lần chọc tức Chu Du", là "Đã sinh Du sao còn sinh Lượng" và "Chu Du mẹo giỏi yên thiên hạ, đã mất phu nhân lại thiệt quân" v.v... Tiếc thay, đó là tiểu thuyết, không phải lịch sử, trong sử Gia Cát Lượng chưa từng chọc tức Chu Du. Và dù có chọc tức cũng không thể chết được. Vì sao vậy? Bởi vì Chu Du tính tình mạnh mẽ, hào phóng. Tam quốc chí nói Chu Du "khoan dung độ lượng", tính tình phóng khoáng, rộng rãi, được người cùng thời đánh giá rất cao. Lưu Bị nói Chu Du "rất độ lượng", Tưởng Cán nói "Du là người thanh lịch". Thực tình lúc đó Chu Du không hề coi Gia Cát Lượng là địch thủ hàng đầu, vậy cớ gì phải ngầm hại! Ngược lại, Gia Cát Lượng, một người đức độ cao siêu lại được coi là "Ba lần chọc tức Chu Du", được mô tả thành "kẻ tiểu nhân gian trá hiểm ác" (lời Hồ Thích), nghĩ xem, đau xót biết chừng nào! Chúng ta thấy, lịch sử xa cách chúng ta, có lúc xa cách đến như vậy.
  5. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Cha Du là Dị, làm Lạc Dương lệnh. (Chữ Hán: 父異,洛陽令)
  6. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Chú của Du là Thượng làm Thái thú Đan Dương. (Chữ Hán: 瑜從父尚為丹楊太守)
  7. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Tổ phụ là Cảnh, con Cảnh là Trung, đều làm quan Thái úy nhà Hán. (Chữ Hán: 從祖父景,景子忠,皆為漢太尉)
  8. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Hán kỷ của Trương Phan chép: Cha Cảnh là Vinh, đời Chương đế-Hoà đế làm Thượng thư lệnh. (Chữ Hán: 張璠《漢紀》曰:景父榮,章、和世為尚書令)
  9. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Chu Du tự Công Cẩn, người huyện Thư quận Lư Giang. (Chữ Hán: 周瑜字公瑾,廬江舒人也)
  10. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Du cao lớn cường tráng có tư nhan. (Chữ Hán: 瑜長壯有姿貌)
  11. ^ a b Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Du còn trẻ đã rất hiểu âm nhạc, dù sau khi uống ba chén rượu, có người đánh sai một nốt nhạc, Du tất biết ngay, cho nên người bấy giờ có câu rằng: "Khúc nhạc lỡ sai, Chu lang ngoảnh lại.". (Chữ Hán: 瑜少精意於音樂。雖三爵之後,其有闕誤。瑜必知之,知之必顧,故時人謠曰:「曲有誤,周郎顧。」)
  12. ^ Theo lời của mẹ Tôn Sách trong Giang biểu truyện của Ngu Phổ thì Chu Du sinh sau Tôn Sách một tháng.
  13. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Tôn Kiên hưng nghĩa binh đánh Đổng Trác, dời gia quyến đến huyện Thư. Con của Kiên là Sách cùng bằng tuổi với Du, kết bạn thân thiết. (Chữ Hán: 孫堅與義兵討董卓,徙家於舒。堅子策與瑜同年,獨相友善)
  14. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Du nhường gian nhà phía Nam cho Sách làm chỗ trọ, lại lên nhà lạy mẹ Sách, có đồ đạc gì cùng dùng chung. (Chữ Hán: 瑜推道南大宅以舍策,升堂拜母,有無通共)
  15. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Tuyết, Dương Hiệu Xuân - Tướng Soái Cổ Đại Trung Hoa (Nhà xuất bản Thanh Niên 2002) Tập 1 trang 787, 788
  16. ^ a b Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Chú của Du là Thượng làm Thái thú Đan Dương, Du thường đến chơi. Gặp lúc Sách sắp sang sông về Đông, tới Lịch Dương, bèn viết thư cho Du, Du đem binh đến nghênh đón Sách. Sách rất mừng nói: "Ta gặp được ông, việc của ta ắt xong". (Chữ Hán: 瑜從父尚為丹楊太守,瑜往省之。會策將東渡,到歷陽,馳書報瑜,瑜將兵迎策。策大喜曰:「吾得卿。諧也。」)
  17. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Rồi theo đi đánh Hoành Giang-Đương Lợi, đều lấy được. Lại qua sông đánh Mạt Lăng, phá Trích Dung-Tiết Lễ, vòng sang đánh Hồ Thục-Giang Thừa, tiến vào Khúc A, Lưu Do phải bỏ chạy, lúc ấy quân của Sách đã có đến mấy vạn. (Chữ Hán: 遂從攻橫江、當利,皆拔之。乃渡江擊秣陵,破笮融、薛禮。轉下湖孰、江乘,進入曲阿。劉繇奔走,而策之眾已數萬矣)
  18. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Sách nhân đó bảo Du rằng: "Ta dùng quân số này đủ để lấy Ngô Hội, bình Sơn Việt, ông hãy về trấn Đan Dương." Du bèn quay về. (Chữ Hán: 因謂瑜曰:「吾以此眾取吳會平山越已足。卿還鎮丹楊。」瑜還)
  19. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Ít lâu sau, Viên Thuật phái em họ là Dận tới thay Thượng làm Thái thú, Du và Thượng cùng về Thọ Xuân. (Chữ Hán: 頃之,袁術遣從弟胤代尚為太守,而瑜與尚俱還壽春)
  20. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Thuật muốn lấy Du làm tướng, Du xem chừng Thuật sau này không làm nên trò trống gì, mới cố xin làm trưởng huyện Cư Sào, muốn nhờ đó quay về phía đông, Thuật nghe theo. (Chữ Hán: 術欲以瑜為將,瑜觀術終無所成,故求為居巢長,欲假塗東歸,術聽之)
  21. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Lỗ Túc truyện: Bấy giờ thiên hạ đã loạn, Túc không lo việc nhà, chỉ phân chia tiền của, bán bỏ ruộng đất để cấp chẩn cho người nghèo cùng, giao kết với kẻ sĩ, rất được lòng người trong thôn ấp. Chu Du làm Cư Sào Trưởng, đem mấy trăm người cố qua thăm Túc, và xin lương tiền. Nhà Túc có hai vựa lúa, mỗi vựa có ba nghìn hộc, Túc bèn đem một vựa trao cho Du, do đó Du thêm coi trọng Túc, bèn giao kết với nhau, làm bạn Kiều, Trát. (Chữ Hán: 家富於財,性好施與,爾時天下已亂,肅不治家事,大散財貨,摽賣田地,以賑窮弊結士為務,甚得鄉邑歡心。周瑜為居巢長,將數百人故過候肅,並求資糧。肅家有兩囷米,各三千斛。肅乃指一囷與周瑜,瑜益知其奇也。遂相親結,定僑、札之分)
  22. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Du từ Cư Sào quay về Ngô quận. Năm ấy, là năm Kiến An thứ ba. (Chữ Hán: 遂自居巢還吳。是歲,建安三年也)
  23. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Lỗ Túc truyện: Viên Thuật nghe danh Túc, liền cho làm Đông Thành Trưởng. Túc thấy Thuật không có phép tắc, không đủ cùng mưu việc, bèn đem hơn trăm người già yếu, người trẻ hào hiệp đi về phía nam, đến Cư Sào gặp Du. Lúc Du vượt sông về phía đông, nhân đó cùng đi. (Chữ Hán: 袁術聞其名,就署東城長。肅見術無綱紀,不足與立事,乃攜老弱將輕俠少年百餘人,南到居巢就瑜。瑜之東渡,因與同行)
  24. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Sách thân đến đón Du, trao cho chức Kiện uy trung lang tướng, lập tức cấp cho hai ngàn bộ binh, năm mươi kỵ binh. (Chữ Hán: 策親自迎瑜,授建威中郎將,即與兵二千人,騎五十匹)
  25. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Sách lại cấp cho Du một toán quân nhạc, sửa sang nhà cửa, ban tặng cho nhiều thứ khác. Sách hạ lệnh rằng: "Chu Công Cẩn anh tuấn có tài lạ, cùng với Cô là bạn hữu từ thủa còn để chỏm, thân như cốt nhục. Lúc trước ở Đan Dương, phát binh cùng với thuyền tải lương giúp ta lập nên đại sự, luận ơn đức để bồi đáp công lao, như thế cũng chưa đủ để báo đáp vậy." (Chữ Hán: 策又給瑜鼓吹,為治館舍,贈賜莫與為比。策令曰:「周公瑾英俊異才,與孤有總角之好,骨肉之分。如前在丹楊,發眾及船糧以濟大事,論德酬功,此未足以報者也。」)
  26. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Năm ấy Du hai mươi bốn tuổi, người ở Ngô quận đều gọi Du là Chu lang. (Chữ Hán: 瑜時年二十四,吳中皆呼為周郎)
  27. ^ Theo cách tính của người Á Đông thì lúc đó Chu Du 24 tuổi, còn tính theo cách người Tây Phương thì 23 tuổi.
  28. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 754
  29. ^ Huyện Xuân Cốc phía tây bắc huyện Phồn Xương, tỉnh An Huy hiện nay
  30. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Sách muốn chiếm châu Kinh, mới lấy Du làm Trung hộ quân, lĩnh chức Thái thú Giang Hạ. (Chữ Hán: 頃之,策欲取荊州,以瑜為中護軍,領導江夏太守)
  31. ^ Chức Thái thú Giang Hạ chỉ có nghĩa tượng trưng vì quận Giang Hạ vẫn đang trong tay Hoàng Tổ
  32. ^ a b c Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 1, Tôn Phá Lỗ Thảo Nghịch truyện - Truyện Thảo Nghịch Tướng quân Tôn Sách.
  33. ^ Lê Đông Phương, sách đã dẫn, tr 152. Trước kia Tôn Sách dưới quyền Viên Thuật, Thuật sai Sách đi đánh Lư Giang, hẹn đánh được sẽ cho làm Thái thú quận đó. Nhưng khi Tôn Sách đánh chiếm được quận Lư Giang từ tay Lục Khang (người cùng họ với Lục Tốn sau này), thì Viên Thuật nuốt lời hứa, cho Lưu Huân làm Thái thú. Sau việc Lưu Huân chặn giết Trương Huân và Dương Hoằng, Tôn Sách càng thêm thù Lưu Huân.
  34. ^ Kiến Xương thuộc Giang Tây
  35. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Giang Biểu truyện chép: Sách coi dung nhan xong đùa cợt Du rằng: "Hai cô con gái của Kiều Công tuy phải loạn ly, nhưng được hai người chúng ta, tưởng cũng đủ vui sướng vậy. (Chữ Hán: 《江表傳》曰:策從容戲瑜曰:「橋公二女雖流離,得吾二人作婿,亦足為歡。」)
  36. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Bấy giờ gặp được hai người con gái của Kiều Công, đều là bậc quốc sắc cả, Sách cưới Đại Kiều, Du cưới Tiểu Kiều. (Chữ Hán: 時得橋公兩女,皆國色也。策自納大橋,瑜納小橋)
  37. ^ a b c d Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Lại tiến đến Tầm Dương, phá Lưu Huân, đánh dẹp ở Giang Hạ, rồi quay binh về bình định Dự Chương-Lư Lăng, lưu Du ở lại trấn thủ Ba Khâu. (Chữ Hán: 復近尋陽,破劉勳,討江夏,還定豫章、廬陵,留鎮巴丘)
  38. ^ Lê Đông Phương, sách đã dẫn, tr 154
  39. ^ Theo cách tính của Tây Phương thì là 25 tuổi.
  40. ^ Quận Lư Lăng do Tôn Sách tách một phần quận Dự Chương ra thành lập mới
  41. ^ Thích khách là người nhà Thái thú Ngô Quận Hứa Cống. Cống lén dâng biểu cho Hiến Đế (trong tay Tào Tháo) mưu hại Tôn Sách, Sách xử tử Cống. Tam quốc chí chép rằng môn khách của Cống trốn ra bờ sông, sau gặp Sách cưỡi ngựa qua đấy, đâm Sách trọng thương. Giang biểu truyện lại chép Tôn Sách cưỡi ngựa đi săn, bị 3 người môn khách của Hứa Cống phục kích bắn tên trúng vào má. Ngô lịch viết: Sách bị thương ở mặt, thầy thuốc bảo phải tĩnh dưỡng, Sách lấy gương soi rồi đập bàn hét lên "Mặt thế này, còn lập công danh được sao?", vết thương vỡ ra, đến đêm thì chết.
  42. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 790
  43. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Năm thứ năm, Sách mất, Quyền nắm giữ chính sự. Du đưa binh tới dự tang, rồi ở lại Ngô quận, làm Trung hộ quân cùng với Trưởng sử Trương Chiêu chung sức chấp chưởng chính sự. (Chữ Hán: 五年,策薨。權統事。瑜將兵赴喪,遂留吳,以中護軍與長史張昭共掌眾事)
  44. ^ a b Lê Đông Phương, sách đã dẫn, tr 178
  45. ^ Tam quốc chí - Tôn Sách truyện
  46. ^ Dịch Trung Thiên, Phẩm Tam Quốc (Nhà xuất bản CAND 2010) Tập 2, trang 170
  47. ^ Dịch Trung Thiên, Phẩm Tam Quốc (Nhà xuất bản CAND 2010) Tập 2, trang 172-174
  48. ^ Dịch Trung Thiên, Phẩm Tam Quốc (Nhà xuất bản CAND 2010) Tập 2, trang 172
  49. ^ Dịch Trung Thiên, Phẩm Tam Quốc (Nhà xuất bản CAND 2010) Tập 2, trang 175, 176
  50. ^ Tào Tháo nắm Hán Hiến Đế trong tay, mượn danh thiên tử để hạ chiếu thư.
  51. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Giang Biểu truyện chép: Tào Công mới phá được Viên Thiệu, binh lực ngày một thịnh, năm Kiến An thứ bảy, hạ chiếu thư yêu cầu Quyền gửi con tin. Quyền triệu tập quần thần thương nghị, bọn Trương Chiêu-Tần Tùng đều do dự không quyết, bản ý Quyền không muốn gửi con tin, bèn dẫn riêng Du đến trước mặt mẫu thân bàn định. (Chữ Hán: 《江表傳》曰:曹公新破袁紹,兵威日盛,建安七年,下書責權質任子。權召群臣會議,張昭、秦松等猶豫不能決,權意不欲遣質,乃獨將瑜詣母前定議)
  52. ^ a b Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Du nói: "Xưa kia nước Sở ban đầu được phong ở một góc Kinh Sơn, đất đai chỉ chừng trăm dặm, người kế tự là bậc hiền tài, khai đất mở cõi, gây dựng cơ nghiệp ở đất Dĩnh, rồi chiếm cứ vùng Kinh Dương, kéo đến tận Nam Hải, cơ nghiệp truyền đời, đã hơn chín trăm năm. Nay tướng quân lên nối nghiệp cha anh, kiêm gồm dân chúng ở sáu quận, binh mạnh lương nhiều, tướng sĩ theo lệnh, đào núi thì lấy được đồng, nấu nước biển làm được muối, trong cõi giàu có, lòng dân không loạn, ta căng buồm bơi thuyền, sớm đi tối đến, quân sĩ dũng mãnh, hướng về đâu là không ai chống được, có gì bức bách, mà phải gửi con làm tin? Một khi đã gửi con tin vào triều, chẳng thể không cùng với họ Tào cứu giúp lẫn nhau, đã cứu giúp lẫn nhan, thì lúc có mệnh triệu chẳng thể không đến, thế là bị người ta kiềm chế vậy. Ngôi cao bất quá được một tước hầu, quân tuỳ tùng hơn chục người, xe mấy cỗ, ngựa vài đôi, há có thể ngoảnh mặt về nam xưng cô được nữa chăng? Chẳng bằng không chịu để người ta sai khiến, nên quyền biến từ quan. Nếu họ Tào có thể giương cao chính nghĩa để chấp chính thiên hạ, tướng quân hãy theo về cũng chưa muộn. Nếu họ mưu toan gây loạn, việc binh như lửa cháy, chẳng nên để mình bị thiêu được. Tướng quân nên gắng sức kháng cự, để đợi mệnh trời, sao phải đưa gửi con tin làm chi!" (Chữ Hán: 瑜曰:「昔楚國初封於荊山之側,不滿百里之地,繼嗣賢能,廣土開境,立基於郢,遂據荊楊,至於南海,傳業延祚,九百餘年。今將軍承父兄餘資,兼六郡之眾,兵精糧多,將士用命,鑄山為銅,煮海為鹽,境內富饒,人不思亂,汎舟舉帆,朝發夕到,士風勁勇,所向無敵,有何偪迫,而欲送質?質一入,不得不與曹氏相首尾,與相首尾,則命召不得不往,便見制於人也。極不過一侯印,僕從十餘人,車數乘,馬數匹,豈與南面稱孤同哉?不如勿遣,徐觀其變。若曹氏能率義以正天下,將軍事之未晚。若圖為暴亂,兵猶火也,不戢將自焚。將軍韜勇抗威,以待天命,何送質之有!」)
  53. ^ Cần phân biệt Ngô thái phu nhân (mẹ Tôn Quyền) với nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa là "Ngô quốc thái" (không có thật)
  54. ^ a b Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Mẹ Quyền nói: "Lời bàn của Công Cẩn đúng lắm. Công Cẩn cùng với Bá Phù cùng tuổi, nhỏ hơn một tháng, ta coi như con ta, mày phải thờ như anh trai vậy." Quyền bèn không đưa con đến làm tin. (Chữ Hán: 權母曰:「公瑾議是也。公瑾與伯符同年,小一月耳,我視之如子也,汝其兄事之。」遂不送質)
  55. ^ a b Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Năm thứ mười một, Du đốc suất bọn Tôn Du đánh dẹp hai đồn Ma-Bảo, chém bêu đầu bọn thủ lĩnh, bắt sống hơn vạn người, rồi quay về phòng bị Cung Đình. Giang Hạ Thái thú Hoàng Tổ phái tướng là Đặng Long đem mấy ngàn binh xâm nhập Sài Tang, Du đem binh truy kích, bắt sống Đặng Long đưa về Ngô quận. (Chữ Hán: 十一年,督孫瑜等討麻、保二屯,梟其渠帥,囚俘萬餘口,還備(官亭)。江夏太守黃祖遣將鄧龍將兵數千人入柴桑,瑜追討擊,生虜龍送吳)
  56. ^ Đây là lần thứ 3 quân họ Tôn đánh Hoàng Tổ ở Giang Hạ. Lần thứ nhất thất bại, Tôn Kiên tử trận. Lần thứ hai, Tôn Sách thắng trận nhưng không giết được Hoàng Tổ, cũng không chiếm được Giang Hạ.
  57. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Năm Kiến An thứ mười ba mùa xuân, Quyền chinh phạt Giang Hạ, Du được làm Tiền bộ đại đốc. (Chữ Hán: 十三年春,權討江夏,瑜為前部大督)
  58. ^ a b Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 758
  59. ^ a b Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: tháng 9 năm ấy, Tào công thâm nhập Kinh châu, Lưu Tông dẫn chúng ra hàng, Tào công thu được hết thủy quân, thuyền bè và mấy chục vạn quân bộ, tướng sĩ hay tin đều kinh hãi. Quyền mời quần hạ đến, hỏi kế sách. Hết thảy kẻ bàn luận đều nói: "Tào công là kẻ sài lang, nhưng giả danh là tướng nhà Hán, ép thiên tử để chinh phạt bốn phương, nói là làm việc vì triều đình, nay chúng ta chống cự lại, là việc chẳng thuận lẽ. Vả lại cái ưu thế lớn của tướng quân, có thể lấy đó để cự với Tháo, là Trường Giang vậy. Nay Tháo lấy được Kinh Châu, chiếm hết đất ấy, nắm giữ được thủy quân của Lưu Biểu, chiến hạm che kín mặt sông, có đến mấy nghìn chiếc, toàn bộ quân Tháo men theo sông, kiêm gồm bộ binh, thủy lục cùng tràn xuống, thế là cái hiểm của Trường Giang, địch đã chia sẻ cùng với chúng ta vậy. Mà thế lực đông ít khác nhau, chẳng cần phải bàn đến nữa. Ngu ý cho rằng đại kế chẳng gì bằng nghênh đón Tháo." (Chữ Hán: 其年九月,曹公入荊州,劉琮舉眾降,曹公得其水軍,船步兵數十萬,將士聞之皆恐。權延見群下,問以計策。議者咸曰:「曹公豺虎也,然託名漢相,挾天子以征四方,動以朝廷為辭,今日拒之,事更不順,且將軍大勢可以拒操者,長江也。今操得荊州,奄有其地。劉表治水軍,蒙沖鬥艦,乃以千數,操悉浮以沿江,兼有步兵,水陸俱下。此為長江之險,已與我共之矣。而勢力眾寡,又不可論。愚謂大計不如迎之。」)
  60. ^ a b c d e f g h Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du truyện: Du nói: "Không đúng. Tháo tuy giả danh là tướng nhà Hán, kỳ thật là giặc nhà Hán vậy. Tướng quân là bậc thần vũ hùng tài, kiêm quản cơ nghiệp của cha anh, chiếm cứ Giang Đông, đất đai vuông mấy ngàn dặm, binh mạnh đủ dùng, kẻ anh hùng vui nghiệp, còn phải tung hoành thiên hạ, vì nhà Hán trừ đứa bạo tàn diệt bỏ kẻ ô uế. Huống chi Tháo tự tìm chết, mà lại ưng chịu nghênh đón y sao? Tôi xin vì tướng quân mà trù tính: Nay ví như đất Bắc đã yên, Tháo trong bụng không có gì phải lo lắng, có thể phí phạm ngày giờ để lâu không xong việc, đến tranh giành ở đất ngoài, đâu đã dễ tranh thắng phụ với chúng ta bằng thuyền chiến đây? Nay đất Bắc đã không yên bình, hơn nữa Mã Siêu-Hàn Toại còn ở cửa ngõ phía Tây, là mối lo sau lưng Tháo vậy. Lại cởi bỏ yên ngựa, khua động mái chèo, cùng với Ngô Việt đua tranh, vốn chẳng phải là sở trường của quân Trung Quốc. Lai nữa là hiện nay trời rất lạnh, ngựa không có cỏ khô ăn, binh sĩ Trung Quốc ruổi ngựa lặn lội đến nơi sông hồ, không quen thủy thổ, tất sẽ sinh bệnh tật. Bốn điều ấy, chính là mối lo lắng của kẻ dùng binh vậy, thế mà Tháo vẫn mạo hiểm hành binh. Tướng quân bắt được Tháo, xong việc là ở hôm nay vậy. Du này xin được cấp ba vạn tinh binh, tiến đến đóng giữ Hạ Khẩu, bảo đảm sẽ vì tướng quân mà phá tan quân giặc." Quyền nói: "Lão tặc muốn phế Hán tự lập đã lâu rồi, còn uý kỵ có hai nhà họ Viên, Lã Bố-Lưu Biểu và cô này thôi. Nay mấy kẻ anh hùng kia đã bị diệt, duy có cô vẫn còn đây, cô cùng với lão tặc, thế chẳng cùng đứng. Ngươi nói nên đánh, rất hợp ý cô, ấy thực là trời đem ngươi đến cho ta vậy." Chữ Hán: 瑜曰:「不然。操雖託名漢相,其實漢賊也。將軍以神武雄才,兼仗父兄之烈,割據江東,地方數千里,兵精足用,英雄樂業,尚當橫行天下,為漢家除殘去穢。況操自送死,而可迎之耶?請為將軍籌之:今使北土已安,操無內憂,能曠日持久,來爭疆場,又能與我校勝負於船楫,(可)乎?今北土既未平安,加馬超、韓遂尚在關西,為操後患。且捨鞍馬,仗舟揖,與吳越爭衡,本非中國所長。又今盛寒,馬無蒿草。驅中國士眾遠涉江湖之間不習水土,必生疾病。此數四者,用兵之患也,而操皆冒行之。將軍擒操,宜在今日。瑜請得精兵三萬人,進住夏口,保為將軍破之。」 權曰:「老賊欲廢漢自立久矣,陡忌二袁、呂布、劉表與孤耳。今數雄已滅,惟孤尚存,孤與​​老賊,勢不兩立。君言當擊,甚與孤合,此天以君授孤也。」
  61. ^ Ngu Phổ, Giang Biểu truyện: Quyền chụp thanh đao phạt đứt góc bàn ở trước mặt nói: "Chư tướng còn ai dám nói đến việc đón rước Tháo, sẽ giống như cái bàn này!" Chữ Hán: 權拔刀斫前奏案曰:「諸將吏敢復有言當迎操者,與此案同!」
  62. ^ a b c d e Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du truyện: Đến đêm tan hội, Du vào gặp Quyền nói: "Mọi người thấy thư của Tháo, nói rằng quân thủy bộ có tám mươi vạn, đều kinh sợ mất vía, chẳng suy xét rõ thực hư, đưa ra lời bàn luận như thế, thật là vô vị vậy. Nay cứ thật mà tính, số người Trung Quốc đem theo, bất quá chừng mười lăm mười sáu vạn, vả lại quân ấy đã mệt mỏi rồi, quân số thu được của Biểu, nhiều lắm cũng chỉ bảy tám vạn thôi, nhưng còn mang lòng nghi hoặc. Lấy đám quân lính mỏi mệt, chế ngự số đông quân sĩ hồ nghi, binh kia dẫu có đông, chẳng có gì phải sợ. Có được năm vạn binh, là đủ để khắc chế địch rồi, xin tướng quân chớ lo lắng." Quyền vỗ vào vai Du nói: "Công Cẩn, khanh nói như thế, rất hợp với bụng cô. Những kẻ như Tử Bố-Văn Biểu, đều chỉ nghĩ đến vợ con, để ta phải ôm mối lo, khiến ta rất thất vọng, chỉ có khanh cùng Tử Kính và cô là cùng ý mà thôi, thật là trời đem hai người bọn khanh tới giúp cô vậy. Nhưng năm vạn quân thì khó mà tập hợp ngay được, giờ đã tuyển được ba vạn người, thuyền lương chiến cụ đều đủ cả, khanh hãy cùng với Tử Kính-Trình công cứ thiện tiện khởi hành trước, cô sẽ dẫn mọi người theo sau ngay, chở theo nhiều tư trang lương thảo, để làm hậu viện cho khanh. Khanh có thể hoàn toàn tự tin mà hành sự, lỡ ra gặp chuyện bất như ý, cứ yên trí quay lại với cô, cô sẽ cùng Mạnh Đức quyết chiến." Chữ Hán: 及會罷之夜,瑜請見曰:「諸人徒見操書,言水步八十萬,而各恐懾,不復料其虛實,便開此議,甚無謂也。今以實校之,彼所將中國人,不過十五六萬,且軍已久疲,所得表眾,亦極七八萬耳,尚懷狐疑。夫以疲病之卒,御狐疑之眾,眾數雖多,甚未足畏。得精兵五萬,自足制之,原將軍勿慮。」權撫背曰:「公瑾,卿言至此,甚合孤心。子布、文表諸人,各顧妻子,挾持私慮,深失所望,獨卿與子敬與孤同耳,此天以卿二人讚孤也。五萬兵難卒合,已選三萬人,船糧戰具俱辦,卿與子敬、程公便在前發,孤當續發人眾,多載資糧,為卿後援。卿能辦之者誠決,邂逅不如意,便還就孤,孤當與孟德決之。」臣松之以為建計拒曹公,實始魯肅。於時周瑜使鄱陽,肅勸權呼瑜,瑜使鄱陽還,但與肅闇同,故能共成大勳。本傳直云,權延見群下,問以計策,瑜擺撥眾人之議,獨言抗拒之計,了不云肅先有謀,殆為攘肅之善也
  63. ^ Bùi Tùng Chi (chú giải), Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du truyện: Thần Tùng Chi cho rằng khởi xướng cái kế cự Tào công, ban đầu thực bởi Lỗ Túc vậy. Vào lúc ấy Du còn ở Bà Dương, Túc khuyên Quyền gọi Du, Du từ Bà Dương trở về, chỉ là cùng với Túc không hẹn mà cùng ý, cho nên có thể nói là hai người cùng lập được đại công. Bản truyện nói ngay rằng, Quyền mời quần hạ đến, hỏi kế sách, Du bác bỏ lời bàn của chúng nhân, một mình bày kế kháng cự địch, xong cũng chẳng bảo rằng Túc đã bầy mưu từ trước, sợ là đã bỏ mất đi cái khéo của Túc vậy. Chữ Hán: 臣松之以為建計拒曹公,實始魯肅。於時周瑜使鄱陽,肅勸權呼瑜,瑜使鄱陽還,但與肅闇同,故能共成大勳。本傳直云,權延見群下,問以計策,瑜擺撥眾人之議,獨言抗拒之計,了不云肅先有謀,殆為攘肅之善也
  64. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngụy thư, Vũ Đế kỷ, Trần Tư Vương Tào Thực truyện: Trận Xích Bích diễn ra năm 207, Đồng Tước đài (銅雀臺) được xây dựng vào mùa đông năm 210 (năm Kiến An thứ 15), bài Đồng Tước đài phú của Tào Thực lại được viết vào năm 212 (hai năm sau khi công trình hoàn thành). Như vậy Gia Cát Lượng không thể biết được bài phú viết sau đó 5 năm.
  65. ^ Dịch Trung Thiên, Phẩm Tam Quốc (Nhà xuất bản CAND 2010), Tập 1, trang 188.
  66. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Thục thư - Tiên Chủ truyện: Tiên chủ vứt vợ con, cùng Gia Cát Lượng, Trương Phi, Triệu Vân cùng mấy chục tên khinh kỵ ra đi, Tào công thu được dân chúng và nhiều trang bị nặng.
  67. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Thục thư - Triệu Vân truyện: Tiên chủ bị Tào công bức ở cầu Trường Bản, Đương Dương, bỏ vợ con, chạy xuống phía nam.
  68. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Thục thư - Trương Phi truyện: Tiên chủ nghe tin Tào công đến, đã bỏ vợ con mà chạy, để Trương Phi và hai chục kỵ sĩ đi ở phía sau.
  69. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngụy thư 9 - Chư Hạ Hầu Tào truyện: Khi theo đi đánh Kinh Châu, truy đuổi Lưu Bị ở Trường Bản, bắt được xe truy trọng và hai con gái của Bị, thu gom được binh tốt tản mát của Bị. Lại tiến đến thu hàng Giang Lăng, rồi theo về Tiêu huyện. Năm Kiến An thứ mười lăm chết. Văn Đế lên tức vị, truy thụy cho (Tào) Thuần là Uy hầu.
  70. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Lỗ Túc truyện: Lưu Biểu chết, Túc đến nói rằng: "Kinh Sở liền kề với ta, dòng nước thuận lên phía bắc, ngoài liền dải với miền Giang Hán, trong bao bọc gò, có cái vững của thành vàng, đồng lầy vạn dặm, dân chúng giàu có, niếu chiếm lấy đất ấy, đấy là cái của cải của Đế vương vậy. Nay Biểu mới chết, hai người con vốn không hòa mục, các tướng trong quân lại đều mỗi người mỗi ý. Lại thêm Lưu Bị kiêu hùng, có hiềm khích với Tháo mà ở nhờ chỗ Biểu, Biểu ghét tài Bị mà không được dùng vậy. Nếu Bị hợp lòng với bên ấy, trên dưới cùng giúp, thì nên vỗ về, cùng kết thề ước; nếu có trái nghịch, nên chia rẽ mà đánh lấy để mưu việc lớn. Túc xin được vâng lệnh sang thăm hai con Biểu, nhân đó an ủi những người coi việc trong quân của bên ấy, cùng khuyên Bị vỗ về quân của Biểu, một lòng một ý, cùng chống Tào Tháo, Bị tất mừng mà vâng lệnh. Nếu bên ấy theo về, mới định được thiên hạ. Nay nếu không đến sớm, sợ rằng Tháo sẽ đến trước". Quyền liền sai Túc đi. Đến Hạ Khẩu, nghe tin Tào Công đã hướng về Kinh Châu, đi gấp ngày đêm, kịp đến Nam Quận, lại nữa con Biểu là Tông đã hàng Tào Công, Bị kinh hoàng vội bỏ chạy, muốn vượt sông về phía nam. Túc bèn đi thẳng đón Bị, đến Trường Bản huyện Đương Dương, gặp với Bị, nói rõ lệnh của Quyền, đến lúc bày trận vững mạnh ở Giang Đông, khuyên Bị hợp sức với Quyền. Bị rất vui mừng. Bấy giờ Gia Cát Lượng đi theo với Bị, Túc bảo Lượng nói: "Ta là bạn của Tử Du" (Gia Cát Cẩn). Liền cùng giao kết. Bị bèn đến Hạ Khẩu, sai Lượng làm sứ giả đến chỗ Quyền.
  71. ^ a b Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 2, Ngô Chủ truyện: Du, Phổ làm Tả, Hữu đô đốc, đều lĩnh vạn quân, cùng đi với Bị, gặp quân của Tào Công ở Xích Bích. (Chữ Hán: 瑜、普爲左右督,各領萬人,與備俱進,遇於赤壁)
  72. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Thục thư 5, Gia Cát Lượng truyện: Lượng nói: "... cùng Lưu Dự Châu đồng tâm hiệp lực, tất phá được quân của Tháo vậy. Quân Tháo bị phá, ắt hẳn quay về Bắc, như vậy thế Kinh-Ngô sẽ cường, chân đỉnh hình thành. Cơ hội thành bại, là ở hôm nay vậy." Quyền rất hài lòng, lập tức phái Chu Du-Trình Phổ, Lỗ Túc nắm ba vạn thủy quân, theo Lượng đến gặp Tiên chủ, cùng hợp sức cự Tào Công. (Chữ Hán: 亮曰:「... 與豫州協規同力,破操軍必矣。操軍破,必北還,如此則荊、吳之勢彊,鼎足之形成矣。成敗之機,在於今日。」權大悅,即遣周瑜、程普、魯肅等水軍三萬,隨亮詣先主,并力拒曹公)
  73. ^ a b c Trần Văn Đức, Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện (Nhà xuất bản Văn Hóa Thông tin 2003), trang 216-219.
  74. ^ Dịch Trung Thiên, Phẩm Tam Quốc (Nhà xuất bản CAND 2010), Tập 1, trang 194
  75. ^ a b Dịch Trung Thiên, Phẩm Tam Quốc (Nhà xuất bản CAND 2010, Tập 1, trang 191-192
  76. ^ a b Bùi Tùng Chí chú giải Tam quốc chí - Thục Thư - Tiên Chủ truyện, trích Giang Biểu truyện
  77. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du truyện: Quyền bèn phái Du cùng với bọn Trình Phổ giúp đỡ Bị hợp lực chống Tào Công, đối địch nhau ở Xích Bích. Bấy giờ rất nhiều quân lính của Tào công bị bệnh, mới giao chiến một trận, Công thua binh thối lui, dẫn quân về Giang Bắc. Bọn Du ở bờ nam. Chữ Hán: 權遂遣瑜及程普等與備並力逆曹公,遇於赤壁。時曹公軍眾已有疾病,初一交戰,公軍敗退,引次江北。瑜等在南岸。
  78. ^ Dịch Trung Thiên, Phẩm Tam Quốc (Nhà xuất bản CAND 2010), Tập 1, trang 197
  79. ^ a b Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du truyện: Bộ tướng của Du là Hoàng Cái nói: "Nay địch đông ta ít, khó cầm giữ được lâu. Nhưng tôi quan sát thấy chiến thuyền của quân Tháo đầu đuôi liên tiếp nhau, có thể dùng kế hoả công để chúng phải bỏ chạy vậy." Lập tức chọn lấy mấy chục chiến thuyền, che trùm kín mít, chứa đầy cỏ khô, trong tẩm dầu mỡ, ngoài dùng vải che kín, trên cắm cờ xí, trước hết gửi thư báo với Tào công, trá rằng muốn đến hàng. Chữ Hán: 瑜部將黃蓋曰:「今寇眾我寡,難與持久。然觀操軍船艦,首尾相接,可燒而走也。」乃取蒙沖鬥艦數十艘,實以薪草,膏油灌其中。裹以帷幕,上建牙旗,先書報曹公,欺以欲降。
  80. ^ a b Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du truyện: Cái lại chuẩn bị thuyền con để trốn, các thuyền lớn đều buộc chặt với nhau ở phía sau, sắp bày chỉnh tề hướng cả về phía trước. Quan binh sĩ tốt của Tào công đều ngoảnh cổ ngóng xem, chỉ trỏ nói là Cái đến hàng. Cái phóng đội thuyền tràn tới, đúng lúc ấy lửa bốc cao. Bấy giờ gió thổi rất mạnh, ngọn lửa bốc tới thiêu cháy doanh trại lớn ở trên bờ. Chốc lát, khói lửa mù trời, nhân mã bị thiêu đốt, chết chìm rất nhiều, quân Tào quay đầu chạy, kéo về giữ Nam quận. Chữ Hán: 又豫備走舸,各系大船後,因引次俱前。曹公軍吏士皆延頸觀望,指言蓋降。蓋放諸船,同時發火。時風盛猛,悉延燒岸上營落。頃之。煙炎張天,人馬燒溺死者甚眾,軍遂敗退,還保南郡。
  81. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du truyện: Giang Biểu truyện chép: Đến ngày giao chiến, Cái trước hết chọn lấy mười chiếc thuyền nhẹ, đem cỏ lau khô và củi nỏ chứa vào trong thuyền, tưới mỡ cá lên, dùng màn đỏ trùm kín lại, cắm cờ xí vẽ rồng làm hiệu ở trên thuyền. Lúc gió đông nam thổi mạnh, Cái cho mười thuyền chiến tiến về phía trước, đến giữa sông giương buồm lên, Cái giơ ngọn đuốc sáng trắng lên cao, sai quân lính đồng thanh kêu to rằng: "Hàng thì được yên!" Quân binh của Tháo đều ra khỏi quân doanh đứng ngây người mà xem. Còn cách quân bắc hơn hai dặm, đồng thời nổi lửa, lửa dữ gió mạnh, thuyền trôi vùn vụt như tên, bụi bay mù mịt, thiêu sạch chiến thuyền phương bắc, rồi kéo đến doanh trại ở ven bờ. Bọn Du cưỡi thuyền nhẹ theo ngay sau, trống thúc như sấm rền, quân bắc tan lở, Tào công lui quân trốn chạy. Chữ Hán: 《江表傳》曰:至戰日,蓋先取輕利艦十舫,載燥荻枯柴積其中,灌以魚膏,赤幔覆之,建旌旗龍幡於艦上。時東南風急,因以十艦最著前,中江舉帆,蓋舉火白諸校,使眾兵齊聲大叫曰:「降焉!」操軍人皆出營立觀。去北軍二里餘,同時發火,火烈風猛,往船如箭,飛埃絕爛,燒盡北船,延及岸邊營柴。瑜等率輕銳尋繼其後,雷鼓大進,北軍大壞,曹公退走。
  82. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du truyện: Bị với bọn Du lại hợp sức truy kích. Tào công để bọn Tào Nhân trấn giữ thành Giang Lăng, còn mình theo lối tắt chạy về Bắc. Chữ Hán: 備與瑜等復共追。曹公留曹仁等守江陵城。逕自北歸。
  83. ^ Trần Văn Đức, Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện (Nhà xuất bản Văn Hóa Thông tin, 2003), trang 217-218
  84. ^ a b c d e f g h Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Buổi tiệc lớn đến lúc tàn, bọn Chiêu-Túc ra trước, chỉ còn mình Quyền và Bị ở lại nói chuyện, nhân nói đến ngôi thứ, Bị khen Du rằng: "Công Cẩn văn võ thao lược, là anh tài trong đám vạn người, xem người có khí độ rộng rãi như thế, sợ rằng chẳng làm kẻ bầy tôi tầm thường lâu vậy." Du phá được quân Nguỵ, Tào công nói: "Cô chẳng xấu hổ vì chạy." Sau lại gửi thư cho Quyền nói: "Chiến dịch Xích Bích, gặp lúc có dịch bệnh, Cô đốt thuyền rồi tự lui quân, thành thử Chu Du thu được cái hư danh ấy." Cái oai danh của Du vang xa, cho nên Tào Công, Lưu Bị đều sợ mà gièm pha. (Chữ Hán: 大宴會敘別。昭、肅等先出,權獨與備留語,因言次,嘆瑜曰:「公瑾文武籌略,萬人之英,顧其器量廣大,恐不久為人臣耳。」瑜之破魏軍也,曹公曰:「孤不羞走。」後書與權曰:「赤壁之役,值有疾病,孤燒船自退,橫使周瑜虛獲此名。」瑜威聲遠著,故曹公、劉備咸欲疑譖之)
  85. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Tuyết, Dương Hiệu Xuân - Tướng Soái Cổ Đại Trung Hoa (Nhà xuất bản Thanh Niên 2002) Tập 1 trang 803
  86. ^ Dịch Trung Thiên, sách đã dẫn, tập 2, tr 395. Tác giả căn cứ theo Tư trị thông giám.
  87. ^ Dịch Trung Thiên, sách đã dẫn, tập 2, tr 396
  88. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Du cùng với Trình Phổ lại tiến đến Nam Quận, cùng với tướng của Nhân đối trận, hai bên cách sông lớn cự nhau. (Chữ Hán: 瑜與程普又進南郡,與仁相對,各隔大江)
  89. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Binh còn chưa giao phong, Du liền phái Cam Ninh tiến chiếm Di Lăng. Nhân chia kỵ binh bao vây Ninh. Ninh cáo cấp với Du. Du dùng kế của Lã Mông, để Lăng Thống giữ hậu phương, đích thân cùng với Mông đến cứu Ninh. Ninh được giải vây, bèn qua sông đóng ở bờ Bắc sông, chuẩn bị hẹn ngày đại chiến. (Chữ Hán: 兵未交鋒 ,瑜即遣甘寧前據夷陵。仁分兵騎別攻圍寧。寧告急於瑜。瑜用呂蒙計,留淩統以守其後,身與蒙上救寧。)
  90. ^ a b Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Ngô lục chép: Bị bảo Du rằng: "Nhân giữ thành Giang Lăng, trong thành lương thảo rất nhiều, đủ để chống giữ. Tôi sai Trương Dực Đức dẫn một nghìn người đi theo ngài, ngài chia hai nghìn quân đi theo tôi, tôi theo dòng Hạ Thủy xuống cắt đứt hậu phương của Nhân, Nhân hay tin tôi đến tất bỏ chạy." Du đưa thêm hai nghìn người cho Bị. (Chữ Hán: 《吳錄》曰:備謂瑜云:「仁守江陵城,城中糧多,足為疾害。使張益德將千人隨卿,卿分二千人追我,相為從夏水人截仁後,仁聞吾入必走。」瑜以二千人益之)
  91. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Du thân chinh cưỡi ngựa đi trước trận, bỗng đâu bị cung tên bắn trúng sườn, bị thương rất nặng, phải lui về. Sau Nhân hay tin Du thụ thương phải nằm không đứng dậy được, liền đem binh đến bầy trận. Du bèn tự ngồi dậy, đi xem xét doanh quân, khích lệ binh sĩ. Nhân thấy thế lại lui về. (Chữ Hán: 瑜親跨馬擽陳,會流矢中右脅,瘡甚,便還。後仁聞瑜臥未起,勒兵就陳。瑜乃自興,案行軍營,激揚吏士,仁由是遂退。)
  92. ^ Tam quốc chí - Ngụy thư - nhị Lý Tang Văn Lã Hứa Điển nhị Bàng Diêm truyện, Lý Thông truyện.
  93. ^ Tam quốc chí - Ngụy thư - Trương Nhạc Vu Trương Từ truyện, Nhạc Tiến truyện.
  94. ^ Tam quốc chí - Ngụy thư - nhị Lý Tang Văn Lã Hứa Điển nhị Bàng Diêm truyện, Văn Sính truyện.
  95. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Quyền bái Du làm Thiên tướng quân, lĩnh chức Thái thú Nam Quận. Lấy các huyện Hạ Tuyển-Hán Xương-Lưu Dương-Châu Lăng cho làm phụng ấp, dinh sở đóng tại Giang Lăng. (Chữ Hán: 權拜瑜偏將軍,領南郡太守。以下雋、漢昌、劉陽、州陵為奉邑,屯據江陵。)
  96. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 765
  97. ^ Dịch Trung Thiên, sách đã dẫn, tr 142-143
  98. ^ a b c Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 766
  99. ^ Dịch Trung Thiên, sách đã dẫn, tr 145
  100. ^ Thị trấn Nhạc Dương, Hồ Nam hiện nay
  101. ^ Bùi Tùng Chi (chú giải), Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện: 公瑾有王佐之资, 今忽短命, 孤何赖哉!
  102. ^ Bùi Tùng Chi (chú giải), Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện: 孤非周公瑾, 不帝矣.
  103. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện: 公瑾雄烈, 胆略兼人, 遂破孟德, 开拓荆州, 邈焉难继, 君今继之.
  104. ^ Lan Hương. “Người đàn ông 'từ quỷ hóa thành thần' được thờ nhiều nhất ở Trung Quốc”. Báo điện tử Pháp luật Việt Nam.
  105. ^ Trần Văn Đức, Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện (Nhà xuất bản Văn Hóa Thông tin, 2003), trang 214-215.
  106. ^ Dịch Trung Thiên, Phẩm Tam Quốc, Tập 1, trang 7
  107. ^ Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Cán trở về, khen rằng Du tao nhã tột bực rộng lượng chí khí lớn, chẳng phải có thể dùng ngôn từ mà ly gián được. (Chữ Hán: 幹還,稱瑜雅量高致,非言辭所間)
  108. ^ a b c d Trần Thọ, Tam quốc chí, Ngô thư 9, Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện - Chu Du truyện: Ban đầu Du kết bạn với Sách, Thái phi lại yêu cầu Quyền cung phụng Du như anh trai. Bấy giờ Quyền còn chưa làm Tướng quân, chư tướng tân khách làm lễ cho phải phép, riêng Du tiến lên hành lễ hết sức cung kính, kẻ thuộc hạ cũng theo quy củ ấy. Du tính tình độ lượng rộng rãi, vì thế rất được lòng người, duy chỉ cùng với Trình Phổ bất hoà. Giang biểu truyện chép: Phổ vốn đã cao tuổi, mấy lần lấn át khinh thị Du. Du nhún mình với người dưới, nhất định không tranh giành. Về sau Phổ tự phải kính phục quý trọng Du, còn bảo với người khác rằng: "Ta giao tiếp với Chu Công Cẩn, như uống rượu nồng, chẳng biết say lúc nào nữa." Người bấy giờ cho là Du khiêm nhường mà thu phục được người khác như thế. (Chữ Hán: 初瑜見友於策,太妃又使權以兄奉之。是時權位為將軍,諸將賓客為禮尚簡,而瑜獨先盡敬,便執臣節。性度恢廓,大率為得人,惟與程普不睦。〈《江表傳》曰:普頗以年長,數陵侮瑜。瑜折節容下,終不與校。普後自敬服而親重之,乃告人曰:「與周公瑾交,若飲醇醪,不覺自醉。」時人以其謙讓服人如此)
  109. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Tuyết, Dương Hiệu Xuân - Tướng Soái Cổ Đại Trung Hoa (Nhà xuất bản Thanh Niên 2002) Tập 1 trang 802
  110. ^ Thật ra Chu Du và Tiểu Kiều đã cưới được khoảng 10 năm.
  111. ^ Dịch Trung Thiên, sách đã dẫn, tập 1, tr 409-412
  112. ^ Dịch Trung Thiên, sách đã dẫn, tập 2, tr 395.
  113. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 767
  114. ^ Dịch Trung Thiên, sách đã dẫn, trang 6-8
Prefix: a b c d e f g h i j k l m n o p q r s t u v w x y z 0 1 2 3 4 5 6 7 8 9

Portal di Ensiklopedia Dunia

Kembali kehalaman sebelumnya