Châu Thị Kim Xuân sinh ngày 26 tháng 8 năm 1956 tại Sài Gòn. Là con gái của nghệ sĩ Hề Vui Tươi. Vì sở hữu nhan sắc xinh đẹp nên năm 20 tuổi, bà đã được tuyển chọn vào lớp diễn viên kịch.[1]
Sự nghiệp
Năm 1970, Kim Xuân được khán giả biết đến qua vai diễn đầu tay trong bộ phim điện ảnh Loan mắt nhung của đạo diễn Lê Dân, bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Thụy Long với sự tham gia của nghệ sĩ Thanh Nga.
Đến năm 1978, bà được ra mắt lần đầu tiên trên sân khấu kịch khi diễn vai thanh niên xung phong lên đường ra trận. Hoạt động tại đoàn kịch được một thời gian thì bà được lên hàng "đào chánh". Thời gian này bà ít hoạt động nghệ thuật hơn để chăm sóc cho gia đình, bà cũng nhận làm thêm hài kịch cùng nghệ sĩ Bảo Quốc và Duy Phương để kiếm thêm thu nhập. Có giai đoạn khó khăn, bà từng phải đi trải sạp bán áo quần ngoài chợ, chia sẻ cùng chồng để trang trải cuộc sống.
Năm 1986, Kim Xuân quay trở lại màn ảnh. Tham gia vào bộ phim điện ảnhY H'Nua của đạo diễn Bạch Diệp. Tiếp sau đó là những bộ phim như: Người đi tìm vàng (1989), Ngọc trong đá (1990), Ngôi sao cô đơn (1991) và Người nghèo cũng cười (1992). Đây đều là những tác phẩm đáng nhớ trong suốt sự nghiệp của bà. Năm 1993 bà tiếp tục tham gia nhiều bộ phim như Giọt lệ chưa khô, Vĩnh biệt mùa hè, Vị đắng tình yêu và Nước mắt học trò. Nhờ những vai diễn này mà Kim Xuân nhận được giải thưởng diễn viên phụ xuất sắc do Tạp chí Điện ảnh bình chọn vào cùng năm. Năm 1994, Kim Xuân bắt đầu chuyển hướng sang dòng phim truyền hình. Bộ phim đầu tiên mà bà tham gia có tên Cánh chim mặt trời. Cũng trong năm này, bà tham gia thêm hai bộ phim khác là Xương rồng đen và Cổ tích Việt Nam: Người hóa dế. Sau đó bà cũng rất tích cực hoạt động nghệ thuật khi tham gia các bộ phim như Đồng tiền nhân nghĩa (1995), Giữa dòng (1995), Lời thề (1996) và Người đẹp Tây Đô (1996). Đến năm 1997, bà vào công tác tại Sân khấu kịch Idecaf.
Kim Xuân xuất hiện nhiều trên sân khấu kịch, phim điện ảnh, và phim truyền hình và là một nữ diễn viên kì cựu có thể thành công ở ba lĩnh vực trên. Bà tham gia đủ thể loại với sự đa dạng trong tính cách từ vai chính, vai phụ, thậm chí vai rất phụ với nhiều độ tuổi khác nhau. Bà còn là giám khảo thường trực của Giải thưởng Ngôi Sao Xanh.[2] Kim Xuân còn là hội viên của Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Bà đã từng đoạt 3 giải Diễn viên phụ xuất sắc do Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh (1992), Tạp chí Điện ảnh (1993) và Hãng phim truyền hình TFS (2001) trao tặng. Bà đã đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc năm 1991, Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu Mùa thu năm 1998 và Giải Mai Vàng do báo Người Lao động trao tặng năm 1997 với vai diễn trong vở kịch Mênh mông tình mẹ. Với những đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2001 và Nghệ sĩ nhân dân năm 2019.[3]
Đời tư
Bà và chồng quen biết nhau vào cuối những năm 70. Lúc này, cả hai đều đang theo học tại lớp văn nghệ quần chúng. Sau một thời gian quen nhau, cả hai đã đi đến kết hôn vào năm 1980. Đến năm 1984, bà sinh con đầu lòng, là ca sĩ Huy Luân.