Share to:

 

Phương Lựu

Phương Lựu
SinhBùi Văn Ba
27 tháng 6, 1936 (88 tuổi)
Nghĩa Thương, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, Liên bang Đông Dương
Bút danhPhương Lựu
Nghề nghiệpNhà lý luận phê bình văn học
Quốc tịch Việt Nam
Dân tộcKinh
Tư cách công dân Việt Nam
GS.TSKH.Bùi Văn Ba, bút danh Phương Lựu (người đứng giữa, ôm hoa)

Phương Lựu, tên thật là Bùi Văn Ba, là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học nổi tiếng người Việt Nam. Ông là một trong những trường hợp hiếm hoi ở Việt Nam vừa đồng thời được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.[1]

Tiểu sử

Phương Lựu sinh ngày 27 tháng 6 năm 1936[2] tại làng Vạn An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi trong một gia đình nông dân nghèo có hai anh em, cha mất sớm khi ông mới 2 tuổi. Mẹ ông một mình nuôi ông và người anh của ông, dù còn trẻ trung và xinh đẹp nhưng bà đã từ chối tổng cộng 47 người đàn ông (kể cả những người chưa từng lập gia đình) muốn kết hôn nhưng không thể đáp ứng điều kiện phải nuôi dạy hai đứa con riêng của bà.[3] Thuở nhỏ, ông theo học ở trường tiểu học Vạn An. Từ năm 1947 đến năm 1953, ông học tại trường trung học Lê Khiết, tỉnh Quảng Ngãi. Học giỏi và có người anh trai là liệt sĩ, trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1954, lúc vừa tròn 18 tuổi, Phương Lựu đã được Đảng bộ Liên khu V chọn lựa là một trong những học sinh được gởi ra Việt Bắc và tiếp tục được đưa đi du học. Ông vốn rất giỏi về môn toán và rất ghét môn văn[3] nhưng lại được phân công học văn. Thậm chí thầy giáo dạy văn của ông ở trường Trung học Lê Khiết, Nhà giáo Nhân dân Lê Trí Viễn cứ thấy bài văn ghi tên ông là cho ngay điểm 0. Đến khi đi du học ở Trung Quốc ông vẫn còn ghét môn văn và sau khi được phân công học văn ông đã nhiều lần tìm cách xin đổi nhưng bất thành. Nhưng sau đó, tiểu thuyết Hồng lâu mộng lại khiến ông cảm thấy thích thú với văn học.

Năm 1960, Phương Lựu tốt nghiệp Đại học Sư phạm Bắc Kinh và trở về giảng dạy ở Bộ môn Văn học Trung Quốc tại Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Năm 1964, ông chuyển sang nghiên cứu và giảng dạy về lý luận văn học cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2006. Năm 1965, nghe tin mẹ hy sinh, ông đã xung phong vào miền Nam chiến đấu nhưng không được chấp thuận vì gia đình đã có anh trai là liệt sĩ. Khi quân Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, Phương Lựu là một trong những chiến sĩ tự vệ và đã góp phần bắn rơi máy bay Mỹ. Năm 1987, ông bảo vệ luận án Phó tiến sĩ và năm 1994 tiếp tục bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học ở trong nước chỉ bằng việc tự học, ông là người đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam bảo vệ thành công Luận văn tiến sĩ khoa học về Lý luận văn học.[4]

Gần 50 năm giảng dạy, Phương Lựu đã góp phần đào tạo hàng nghìn cử nhân, hướng dẫn luận án cho 50 Thạc sĩ và 15 Tiến sĩ. Trong đó, có những người sau này đã trở thành những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Ma Văn Kháng, Phạm Tiến DuậtNguyễn Khoa Điềm. Năm 2002, ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.[1]

Tháng 2 năm 2012, ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về lĩnh vực Khoa học và Công nghệ[1][5] cho cụm công trình Lý luận phê bình, phương pháp luận nghiên cứu văn học, bao gồm Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX (2001); Từ Văn học so sánh đến Thi học so sánh (2002); Lý luận phê bình văn học (2004); Phương pháp luận nghiên cứu khoa học (2005); Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây (2007).[6] Cụm công trình đã nghiên cứu, giới thiệu tinh hoa lý luận của văn học truyền thống phương Đông cùng với những thành tựu nổi bật của lý luận văn học phương Tây hiện đại và đương đại.

Ngoài Giải thưởng Hồ Chí Minh, ông còn nhận được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995, Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2009. Ông là một trường hợp hiếm hoi khi được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật và cả Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ.[3][7]

Đến nay, dù đã nghỉ hưu, ngoài việc tiếp tục hướng dẫn và làm Chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ, Phương Lựu còn đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, tham gia Hội Liên hiệp Nho học Quốc tế với tư cách là Ủy viên Thường vụ.

Ông còn là một nhà hảo tâm, hầu hết số tiền ông kiếm được từ các giải thưởng khoa học, ông đều làm từ thiện nhằm phát triển phong trào học tập và văn hóa của nước nhà. Năm 2012, sau khi được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Phương Lựu đã tặng toàn bộ 200 triệu đồng tiền thưởng cho Hội Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.[1][6][8][9][10]

Bút danh Phương Lựu

Phương Lựu đã giải thích ý nghĩa bút danh của ông rằng: Lựu là tên mẹ ruột, còn Phương là tên mẹ vợ của ông, ghép chung lại có nghĩa là một bông hoa lựu vừa đỏ vừa thơm.[9] Đặc biệt hơn, bút danh Phương Lựu của ông còn có cả trong cuốn Đại từ điển văn học nước ngoài thế kỉ XX của Trung Quốc, do Nhà xuất bản Dịch Lâm (Nam Kinh – Trung Quốc) ấn hành vào năm 1999.[5]

Công trình nghiên cứu[11]

Tính đến nay Phương Lựu ông viết được 22 chuyên khảo nghiên cứu riêng và 40 công trình nghiên cứu, soạn thảo chung, cũng như hàng nghìn bài báo đăng trên các báo và tạp chí khoa học. Đáng chú ý là “Tuyển tập Phương Lựu”, một bộ sách khổng lồ gồm 3 tập, dày 1.747 trang với tổng cộng gần 70 vạn chữ, tập hợp hầu như tất cả những điều tâm huyết trong suốt cả cuộc đời làm khoa học của ông.

Tham khảo

  1. ^ a b c d Vân Phạm (ngày 26 tháng 11 năm 2014). “Nhà văn - Nhà giáo Bùi Văn Ba: Một đời cống hiến cho khoa học và văn học nghệ thuật”. Báo Công lý. Tòa án nhân dân tối cao. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2016.
  2. ^ Xem "Các tác giả nhận giải thưởng văn học trong nước: PHƯƠNG LỰU (BÙI VĂN BA)"
  3. ^ a b c Trần Hoàng Hoàng (ngày 7 tháng 8 năm 2012). “GS-TSKH, NGND Phương Lựu: Cho đi là hạnh phúc!”. Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trung tâm Di sản các Nhà khoa học Việt Nam. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2016.[liên kết hỏng]
  4. ^ Diệu Huyền, Hoàng Anh (ngày 29 tháng 2 năm 2012). “GS Phương Lựu: Người thổi hồn vào lý luận văn học Việt Nam”. Truyền thông Khoa học và Công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2016.
  5. ^ a b Ngân Hà, Công Đạt (ngày 12 tháng 9 năm 2012). “Giáo sư Phương Lựu”. Báo ảnh Việt Nam. Thông tấn xã Việt Nam. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2016.
  6. ^ a b Thanh Giang (ngày 14 tháng 3 năm 2012). “Giáo sư Phương Lựu dùng tiền thưởng làm từ thiện”. Vietnam Plus. Thông tấn xã Việt Nam. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2016.
  7. ^ Thành Vinh (ngày 13 tháng 9 năm 2011). “Giáo sư Phương Lựu trong tôi”. Cổng thông tin điện tử huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2016.
  8. ^ Thu Hòe (ngày 14 tháng 3 năm 2012). “GS.TSKH Phương Lựu tặng 200.000.000 đồng cho nạn nhân da cam”. Báo Giáo dục Việt Nam. Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2016.
  9. ^ a b Phan Thanh Long (ngày 15 tháng 5 năm 2012). “Tấm lòng thơm thảo của giáo sư Phương Lựu”. Báo Quảng Ngãi. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2016.
  10. ^ “Giáo sư Phương Lựu tặng toàn bộ tiền giải thưởng Hồ Chí Minh”. Báo Sài gòn giải phóng. ngày 15 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2016.
  11. ^ La Khắc Hòa (ngày 3 tháng 10 năm 2011). “GS.TSKH.NGND Phương Lựu - Bùi Văn Ba - một nhà khoa học bền chí, một nhà giáo tâm huyết, một con người đáng nể trọng”. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2016.
Prefix: a b c d e f g h i j k l m n o p q r s t u v w x y z 0 1 2 3 4 5 6 7 8 9

Portal di Ensiklopedia Dunia

Kembali kehalaman sebelumnya