Thêm một máy bay địch bị bắn hạ, Phương diện quân Tây Nam. Một binh sĩ Hồng quân vẽ những ngôi sao trên máy bay, và một thợ máy đang kiểm tra nó, Nga. Ảnh của G.A. Zelm , ngày 1 tháng 7 năm 1942.
Phương diện quân Tây Nam (tiếng Nga: Ю́го-За́падный фро́нт) là một tổ chức tác chiến chiến lược của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến thứ hai. Địa bàn tác chiến của phương diện quân là ở vùng lãnh thổ Ukraina.
Lịch sử
Thành lập lần thứ nhất
Phương diện quân Tây Nam được thành lập ngày 22 tháng 6 năm 1941 theo chỉ lệnh của Dân ủy quốc phòng (NKO) ra ngày 22 tháng 6 năm 1941 dựa trên Quân khu Đặc biệt Kiev. Biên chế ban đầu gồm các tập đoàn quân 5, 6, 12, 26. Sau đó còn có thêm các tập đoàn quân 3, 9, 13, 21, 28, 37, 39, 40, 57, 61 và tập đoàn quân không quân 8. Trong các trận phòng thủ vào hè - thu năm 1941, các đơn vị của phương diện quân đã chiến đấu ngoan cường, gây thiệt hại nặng cho các đơn vị quân Đức tại khu vực Lutsk, Dubno, Rovno, và cầm chân quân Đức một thời gian ở gần Kiev. Sau đó các đơn vị của phương diện quân Tây Nam rút lui ra ngoài Dnepr, hành quân tới phòng tuyến phía đông của Kursk, Kharkov, Raisins. Trong cuộc tổng phản công của Hồng quân vào mùa đông năm 1941-1942, phương diện quân Tây Nam kết hợp tấn công với Phương diện quân Nam đã tiến sâu được 100 km, chiếm được một bàn đạp lớn ở bờ phải sông tại Seversky Donets. Vào tháng 5 năm 1942, các đơn vị của phương diện quân bị chọc thủng phòng tuyến ở gần Kharkov.
Phương diện quân Tây Nam giải thể vào ngày 12 tháng 7 năm 1942 và thành lập Phương diện quân Stalingrad, bao gồm tập đoàn quân 21, tập đoàn quân không quân 8. Các tập đoàn quân 9, 28, 29, 57 chuyển cho Phương diện quân Nam.[1]
Thành lập lần thứ hai
Phương diện quân Tây Nam được tái thành lập ngày 25 tháng 10 năm 1942 dựa trên chỉ lệnh của Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô (STAVKA) ra ngày 22 tháng 10 năm 1942 hợp nhất các phương diện quân Voronezh và phương diện quân Sông Don. Biên chế của phương diện quân Tây Nam gồm các tập đoàn quân 21, 63, tập đoàn quân xe tăng 5, tập đoàn quân không quân 17. Sau đó có thêm các tập đoàn quân cận vệ 1, 3,8; các tập đoàn quân 6, 12, 46, 57, 62, tập đoàn quân xung kích 5, tập đoàn quân xe tăng 3, tập đoàn quân không quân 2. Vào tháng 11 năm 1942, các đơn vị của tập đoàn quân đã tham gia bao vây quân Đức ở Stalingrad và đánh tan các cuộc giải vây từ bên ngoài của quân Đức. Trong cuộc tấn công vào tháng 1, tháng 2 năm 1943, các đơn vị của phương diện quân phối hợp với Phương diện quân Nam đã phát động một cuộc tấn công theo hướng Donbass, vượt qua Seversky Donets, đến Dnepropetrovsk, nhưng khi quân Đức phản công, phương diện quân đã bị đẩy trở về Seversky Donets. Tháng 8-9 năm 1943, đơn vị của phương diện quân cùng với Phương diện quân Nam giải phóng Donbass. Tháng 10 năm 1943, Phương diện quân Tây Nam giải phóng Kiev, loại bỏ bàn đạp của quân Đức trên tả ngạn sông Dnepr.
Ngày 20 tháng 10 năm 1943, phương diện quân Tây Nam đổi tên thành Phương diện quân Ukraina 3, theo chỉ lệnh của STAVKA ra ngày 16 tháng 10 năm 1943.[1]