Share to:

 

Yên Lạc

Yên Lạc
Huyện
Huyện Yên Lạc
Biểu trưng
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Hồng
TỉnhVĩnh Phúc
Huyện lỵthị trấn Yên Lạc
Phân chia hành chính2 thị trấn, 15 xã
Địa lý
Tọa độ: 21°14′07″B 105°34′29″Đ / 21,2352°B 105,5748°Đ / 21.2352; 105.5748
MapBản đồ huyện Yên Lạc
Yên Lạc trên bản đồ Việt Nam
Yên Lạc
Yên Lạc
Vị trí huyện Yên Lạc trên bản đồ Việt Nam
Diện tích107,65 km²
Dân số (2019)
Tổng cộng156.456 người[1]
Thành thị14.986 người (10%)
Nông thôn141.470 người (90%)
Mật độ1.453 người/km²
Dân tộcKinh,...
Khác
Mã hành chính251[2]
Biển số xe88-F1
Websiteyenlac.vinhphuc.gov.vn

Yên Lạc là một huyện nằm ở phía nam tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam.

Đây là một vùng đất cổ, có di tích khảo cổ học Đồng Đậu và là nơi tướng quân Nguyễn Khoan chọn để lập nghiệp, mở mang lãnh thổ, trở thành một vị thủ lĩnh mạnh thời 12 sứ quân thế kỷ X.

Vị trí địa lý

Huyện Yên Lạc nằm ở phía nam của tỉnh Vĩnh Phúc, có vị trí địa lý:

Theo thống kê năm 2019, huyện có diện tích 107,65 km², dân số là 156.456 người, mật độ dân số đạt 1.453 người/km². Dân số phân theo thành thị là 14.986 người, dân số phân theo nông thôn là 141.470 người.[1]

Nằm trên ranh giới của Yên Lạc với Mê Linh có con sông Cà Lồ, nối sông Hồng với sông Cầu.

Vùng đất Yên Lạc từ xưa đã là nơi thuận lợi cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp. Thế kỷ X, tướng Nguyễn Khoan đã cát cứ ở đây để mở rộng địa bàn và trở thành thế lực thôn Nguyễn hùng mạnh, phát triển thành một trong 12 sứ quân trên lãnh thổ Tĩnh Hải quân bấy giờ. Ngày nay cụm di tích Đền Gia Loan - chùa Biện Sơn - Đồng Đậu ở thị trấn Yên Lạc trở thành biểu tượng văn hóa và là điểm đến hấp dẫn của huyện Yên Lạc.

Lịch sử

Thời kháng chiến chống Pháp, Yên Lạc là vùng địch tạm chiếm, tiếp giáp với vùng tự do, nằm trên con đường huyết mạch tiếp tế sức người, sức của cho tiền tuyến. Trong thời kỳ xây dựng đất nước, huyện là vùng trọng điểm lúa của tỉnh. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà khi thành lập đạo Vĩnh Yên (năm 1890), tỉnh Vĩnh Yên (năm 1899), thì chữ cái đầu của trong tên huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường được ghép trong tên của tỉnh (Vĩnh Tường và Yên Lạc thành tỉnh Vĩnh Yên).

Huyện Yên Lạc nằm ở một vùng đất cổ, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Những phát hiện của ngành khảo cổ qua 7 lần khai quật ở di chỉ Đồng Đậu thuộc xã Minh Tân (nay là thị trấn Yên Lạc) đã chứng minh, từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, ở Yên Lạc đã có con người sinh sống. Đồng Đậu là một di tích khảo cổ rộng lớn, có tầng văn hóa dày vào bậc nhất nước ta (trên 3m), với số lượng hiện vật vô cùng phong phú, đa dạng về loại hình và chất liệu. Từ đồ đá, đồ gốm, đồ xương đến đồ đồng – mũi tên, mũi lao, lưỡi câu, rìu, dũa, khuôn đúc rìu, khuôn đúc mũi tên, mảnh nồi nấu đồng, hạt gạo bị cháy, nhiều xương răng, sừng hươu, nai, lợn rừng, trâu bò, răng cá, hài cốt ở hai ngôi mộ,… Những hiện vật ở Đồng Đậu thể hiện đầy đủ 4 giai đoạn phát triển văn hóa (Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn), liên tục từ thấp đến cao, cách ngày nay 3.500 năm, chứng tỏ cư dân Đồng Đậu không những sinh sống bằng nghề săn bắn, đánh cá mà còn sinh sống bằng nông nghiệp, trồng lúa nước, đã nắm vững kỹ thuật luyện đúc đồng và thực hiện ngay tại Đồng Đậu. Những hiện vật tìm thấy ở Đồng Đậu góp phần khẳng định: Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, người Việt cổ từ du canh du cư, dừng lại Đồng Đậu – Yên Lạc, trồng lúa nước và ngày càng tập trung vào nông nghiệp, trải qua hàng ngàn năm, góp phần xây dựng nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ.

Ở một vùng đất cổ, có nhiều điều kiện để trồng trọt, phát triển nông nghiệp, con người đã tụ hội sinh sống ở đây từ lâu đời. Vì thế, huyện Yên Lạc hình thành khá sớm. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV), Đại Việt địa dư toàn biên của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (thế kỷ XIX), Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn… thì tên huyện Yên Lạc đã có từ thời Đinh (thế kỷ X), những năm mở đầu thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc. Từ đó đến nay, trải qua hơn 1000 năm với bao đổi thay về chính trị, hành chính, kinh tế - xã hội, huyện Yên Lạc vẫn liên tục tồn tại và không ngừng phát triển. Huyện Yên Lạc thuộc đạo (thời nhà Đinh), lộ (thời Lý, Trần), phủ (thời Lê) Tam Đới (Tam Đái), châu (xứ, trấn, thừa tuyên) Sơn Tây. Đến thời Minh Mạng nhà Nguyễn, các đơn vị hành chính ở nước ta được chia thành tỉnh. Sơn Tây là một tỉnh, có 5 phủ, 24 huyện. Phủ Tam Đới được đổi là phủ Tam Đa, trong đó có huyện Yên Lạc. Năm Minh Mạng thứ 13, huyện Yên Lạc được nâng lên thành phân phủ Yên Lạc, có 15 tổng, 107 xã, thôn, phường. Lỵ sở của huyện ở xã Vĩnh Mỗ (nay là thị trấn Yên Lạc).

Dưới thời phong kiến, Yên Lạc là một huyện lớn, người đông, sản vật phong phú, khá nổi tiếng. Sách Tứ trấn ký viết: Phủ thì nhất Tam Đới, nhì Khoái Châu. Huyện thì Nam Châu, Bắc Dũng, Đông Kỳ, Tây Lạc (đó là huyện Châu Ninh thuộc Nam Định, Yên Dũng thuộc Kinh Bắc, Tứ Kỳ thuộc Hải Dương và Yên Lạc thuộc Sơn Tây), đều là những vùng đất phì nhiêu.

Năm 1890, Toàn quyền Đông Dương thành lập Đạo Vĩnh Yên, gồm phủ Vĩnh Tường và các huyện Yên Lạc, Bạch Hạc, Lập Thạch, Tam Dương, Yên Lãng (tách từ tỉnh Sơn Tây) và huyện Bình Xuyên (tách từ tỉnh Thái Nguyên). Năm 1891, Toàn quyền Đông Dương bỏ đạo Vĩnh Yên, chuyển toàn bộ các huyện, trong đó có Yên Lạc, về tỉnh Sơn Tây.

Đến năm 1899, Toàn quyền Đông Dương lập tỉnh Vĩnh Yên. Yên Lạc là một huyện của tỉnh Vĩnh Yên.

Sau Cách mạng tháng Tám (1945), đơn vị hành chính tỉnh Vĩnh Yên, huyện Yên Lạc không thay đổi.

Ngày 12 tháng 2 năm 1950, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Nghị định hợp nhất tỉnh Vĩnh Yên và tỉnh Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc. Yên Lạc là một huyện của tỉnh Vĩnh Phúc.

Tháng 2 năm 1968, thực hiện Quyết định của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, hai tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú. Yên Lạc là một huyện của tỉnh Vĩnh Phú.

Ngày 5 tháng 7 năm 1977, huyện Yên Lạc hợp nhất với huyện Vĩnh Tường thành huyện Vĩnh Lạc, riêng 4 xã: Bình Định, Minh Tân, Nguyệt Đức và Văn Tiến được sáp nhập vào huyện Mê Linh mới thành lập[3]. Tuy nhiên, đến ngày 29 tháng 12 năm 1978, các xã nói trên lại được chuyển về huyện Vĩnh Lạc.[4]

Ngày 7 tháng 10 năm 1995, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định số 63/CP chia Vĩnh Lạc thành hai huyện như trước đây: Yên Lạc và Vĩnh Tường. Khi tái lập, huyện Yên Lạc có diện tích tự nhiên là 107,6 km², dân số là 140.680 người, có 17 xã: Bình Định, Đại Tự, Đồng Cương, Đồng Văn, Hồng Châu, Hồng Phương, Liên Châu, Minh Tân, Nguyệt Đức, Tam Hồng, Tề Lỗ, Trung Hà, Trung Kiên, Trung Nguyên, Văn Tiến, Yên Đồng và Yên Phương.[5]

Sau gần 29 năm hợp nhất với Phú Thọ, ngày 1 tháng 1 năm 1997, tỉnh Vĩnh Phúc được lập lại theo Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa IX, kỳ họp thứ 10, tháng 11 năm 1996. Từ đó Yên Lạc lại là một huyện của tỉnh Vĩnh Phúc.[6]

Ngày 28 tháng 5 năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định 53-CP năm 1997 về việc thành lập thị trấn Yên Lạc trên cơ sở giải thể xã Minh Tân.[7]

Ngày 10 tháng 4 năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 730/NQ-UBTVQH15. Theo đó, chuyển xã Tam Hồng thành thị trấn Tam Hồng thuộc huyện Yên Lạc.[8]

Huyện Yên Lạc có 2 thị trấn và 15 xã như hiện nay.

Hành chính

Huyện Yên Lạc có 17 được đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Yên Lạc (huyện lỵ), Tam Hồng và 15 xã: Bình Định, Đại Tự, Đồng Cương, Đồng Văn, Hồng Châu, Hồng Phương, Liên Châu, Nguyệt Đức, Tề Lỗ, Trung Hà, Trung Kiên, Trung Nguyên, Văn Tiến, Yên Đồng, Yên Phương.

Di tích

Người nổi tiếng

Làng nghề

Huyện Yên Lạc có nhiều làng nghề và làng có nghề. Nghề mộc tập trung ở thị trấn Yên Lạc, Yên Phương. Nghề thu gom phế liệu và tái chế nhựa ở các xã Tề Lỗ, Trung Nguyên, Đồng Văn, Yên Đồng. Nghề trồng dâu nuôi tằm ở các xã ven sông Hồng nhưng đến nay hầu như đã mai một. Các làng nghề, nghề phụ, nghề mới của huyện Yên Lạc (vùng đất trăm nghề) của tỉnh Vĩnh Phúc:

  • Làng nghề mổ xẻ cơ giới Tề Lỗ
  • Làng nghề tơ, nhựa Tảo Phú (Tam Hồng)
  • Nghề mộc thôn Lũng Hạ (Yên Phương)
  • Trồng chuối ở Liên Châu
  • Nghề buôn tóc, phế liệu Thiệu Tổ (Trung Nguyên)
  • Làng nghề mộc thôn Đông (thị trấn Yên Lạc)
  • Có nghề làm bánh mì xóm Mới (Yên Đồng)
  • Làng nghề mộc Phương Trù (Yên Phương)
  • Làng thu gom phế liệu Đồng Lạc (Đồng Văn)
  • Thu gom phế liệu Lạc Trung (Trung Nguyên)
  • Chăn, ga, gối, đệm thôn Gia (Yên Đồng)
  • Nghề thu gom phế liệu thôn Lỗ Quynh (Trung Nguyên)
  • Làng nghề mộc thôn Tiên (thị trấn Yên Lạc)
  • Làng nghề mộc thôn Đoài (thị trấn Yên Lạc)
  • Tái chế nhựa Đông Mẫu (Yên Đồng)
  • Thu gom phế liệu thôn Yên Lạc (Đồng Văn)
  • Nghề thu gom phế liệu Xuân Chiếm (Trung Nguyên)
  • Nghề mộc một số ít ở các thôn phía Bắc huyện
  • Làng nghề mộc thôn Trung (thị trấn Yên Lạc).

Tham khảo

  1. ^ a b Dân số: Cổng thông tin giao tiếp điện tử huyện Yên Lạc. Cổng thông tin giao tiếp điện tử huyện Yên Lạc. 6 tháng 8 năm 2019. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2020.
  2. ^ Tổng cục Thống kê
  3. ^ “Quyết định 178-CP năm 1977 về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phú”.
  4. ^ “Quyết định 71-CP năm 1979 về việc điều chỉnh địa giới huyện Tam Đảo và huyện Vĩnh Lạc thuộc tỉnh Vĩnh Phú”.
  5. ^ Nghị định 63-CP năm 1995 về việc chia huyện Vĩnh Lạc, Thanh Hoà thuộc tỉnh Vĩnh Phú
  6. ^ Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh do Quốc hội ban hành
  7. ^ Nghị định 53-CP năm 1997 về việc thành lập thị trấn Yên Lạc thuộc huyện Yên Lạc
  8. ^ “Nghị quyết số 730/NQ-UBTVQH15 năm 2023 về việc thành lập thị trấn Kim Long thuộc huyện Tam Dương, thị trấn Tam Hồng thuộc huyện Yên Lạc và phường Định Trung thuộc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc”.
Prefix: a b c d e f g h i j k l m n o p q r s t u v w x y z 0 1 2 3 4 5 6 7 8 9

Portal di Ensiklopedia Dunia

Kembali kehalaman sebelumnya